Hội thảo thực hành về an ninh vận chuyển nguồn phóng xạ (RAM 400)

Facebook   Zalo

Từ ngày 23-24/8/2018, tại Hà Nội,Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) phối hợp với Phòng Thí nghiệm quốc gia Oak Ridge (ORNL) thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (US.DOE) tổ chức Hội thảo thực hành về an ninh vận chuyển nguồn phóng xạ (RAM 400). Đến dự và phát biểu khai mạc Hội thảo có Bà Trần Bích Ngọc - Phó Cục trưởng Cục ATBXHN.

Hội thảo thực hành về an ninh vận chuyển nguồn phóng xạ (RAM 400)

Tham dự Hội thảo, về phía Hoa Kỳ có các chuyên gia của ORNL gồm ông Michael Stephen Schultze - Trưởng Dự án an ninh vận chuyển khu vực Châu Á; ông Joseph Gregory Phillips - Giám đốc Dự án Dịch vụ An ninh vận chuyển và ông David Allen Duhamel - Chuyên gia an ninh. Về phía Việt Nam, có các đại biểu là các cán bộ làm việc liên quan đến an ninh vận chuyển nguồn phóng xạ của các đơn vị quản lý: Cục ATBXHN; các Sở Khoa học và Công nghệ: Thái Nguyên, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng; đại diện lực lượng Công an các địa phương: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ; các đơn vị có dịch vụ vận chuyển như Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Trung tâm hạt nhân TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH thiết bị và dịch vụ khoa học AE, Công ty TNHH MTV ứng dụng và phát triển công nghệ NEAD.

Bà Trần Bích Ngọc - Phó Cục trưởng Cục ATBXHN phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Trần Bích Ngọc cho biết, trong những năm gần đây, tại Việt Nam, ứng dụng năng lượng nguyên tử đã phát triển nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, tốc độ đầu tư cho các ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong nhiều ngành tăng trưởng rất lớn. Tuy nhiên, một thách thức lớn đặt ra trong công tác quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ là tình trạng xảy ra mất an ninh nguồn phóng xạ như: mất cắp, bỏ rơi không ai quản lý, hay tình trạng chuyển giao bất hợp pháp nguồn phóng xạ cũng diễn biến khá phức tạp. Do vậy, công tác đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ cần được nhận thức và tăng cường hơn nữa bởi các nhà quản lý cũng như các đơn vị vận hành. An ninh trong vận chuyển nguồn phóng xạ không năm ngoài mối quan tâm này. Nguồn phóng xạ có khả năng dễ bị xâm hại nhất là trong quá trình vận chuyển. Do đó, để đảm bảo an ninh và ngăn chặn các sự cố liên quan đến an ninh trong vận chuyển nguồn phóng xạ, cả nhà quản lý và đơn vị vận hành đều cần phải có các kiến thức liên quan.

Mục đích của Hội thảo lần này là tập trung vào các bài tập thực hành xử lý các tình huống bất thường và các bài tập thực hành trên sa hình, giúp nâng cao kỹ năng xử lý tình huống, vận dụng các kiến thức lý thuyết để giải quyết, xử lý các kịch bản có thể xảy ra ảnh hưởng tới an ninh vận chuyển nguồn phóng xạ.

Toàn cảnh Hội thảo

Trong 2 ngày Hội thảo, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, các học viên được chia làm 2 đội làm bài tập thực hành với các kịch bản là những tình huống bất thường trong khi vận chuyển như tai nạn, hỏa hoạn, người phản đối, trục trặc về cơ khí, leo thang vũ lực,…thực hành trên sa hình.

 

Thực hành trên sa hình

Kết thúc Hội thảo, các học viên được cấp chứng chỉ thực hành về an ninh vận chuyển nguồn phóng xạ (RAM 400)./.

Facebook Zalo