Trao đổi với chúng tôi, TS Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết: Đo lường là một lĩnh vực khoa học kỹ thuật chính xác, là hoạt động không thể thiếu đối với đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, an ninh - quốc phòng. Đo lường thống nhất và chính xác sẽ góp phần bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; bảo đảm an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trao đổi thêm về lĩnh vực này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Quản lý Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (thuộc Sở KH&CN) thông tin: Đề án 996 sẽ tập trung hỗ trợ DN ở một số ngành, lĩnh vực ưu tiên triển khai áp dụng hiệu quả chương trình bảo đảm đo lường để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá. Để triển khai hiệu quả Đề án 996 tại Thái Nguyên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 10/3/2020 và giao cho Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, trong năm 2021, Sở KH&CN đã tổ chức khảo sát và lựa chọn ra 3 DN, gồm: Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty Xăng dầu Bắc Thái và Hợp tác xã chè Hảo Đạt để hỗ trợ xây dựng Chương trình bảo đảm đo lường tại DN theo hướng dẫn của Bộ KH&CN tại Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021. Chương trình này đã được Sở KH&CN tổ chức công bố vào ngày 15/12/2021 và sẽ tiếp tục hỗ trợ 3 DN trên thực hiện các nội dung đến hết năm 2025.
TS Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho hay: Chương trình bảo đảm đo lường tại 3 DN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là 3 mô hình điểm đầu tiên trong cả nước về triển khai thực hiện Đề án 996. Chúng tôi kỳ vọng tỉnh Thái Nguyên sẽ trở thành điểm sáng về hoạt động đo lường của Việt Nam…
Nhận định về hiệu quả hoạt động đo lường đem lại, ông Đỗ Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên chia sẻ: Việc triển khai thực hiện Chương trình bảo đảm đo lường đã và đang mang lại cho chúng tôi lợi ích về kinh tế, xã hội, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 996 tại tỉnh Thái Nguyên, TS Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết thêm: Trong thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động đo lường, tập trung vào các nội dung hỗ trợ DN; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò quan trọng của hoạt động đo lường trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; tiếp tục hỗ trợ các DN xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường để gia tăng hiệu quả về sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, từng bước tham gia vào chuỗi cung cấp sản phẩm, hàng hoá toàn cầu; tăng cường năng lực của các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm để đáp ứng nhu cầu về đo lường của xã hội...
Nguồn: baothainguyen.vn