Đây là một trong những mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có khả năng cạnh tranh trên thị trường, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vụ đông, thâm canh tăng vụ trên địa bàn các huyện/thành/thị của Nhiệm vụ KH&CN “Chuyển giao kiến thức KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn tỉnh Thái Nguyên năm 2012”. Mô hình sản xuất khoai tây vụ đông được thực hiện với quy mô 56ha trên địa bàn 6 huyện/thị: Phổ Yên, Định Hóa, Đại Từ, Phú Bình, Đồng Hỷ, thị xã Sông Công, với tổng kinh phí hỗ trợ từ nguồn sự nghiệp khoa học của tỉnh xấp xỉ 1,2 tỷ đồng.
Tham gia các lớp tập huấn có gần 400 lượt nông dân, tại đây các hộ nông dân được cán bộ của Trạm Khuyến nông, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện/thị xã hướng dẫn những kỹ thuật cơ bản về chuẩn bị củ giống, ủ phân, rơm rạ khô, chuẩn bị đất trồng, thời vụ trồng. Ngoài ra các hộ nông dân còn được hướng dẫn về mật độ, khoảng cách và kỹ thuật trồng; phân bón và cách bón; vun xới và tưới nước; phòng trừ sâu bệnh và thanh lọc đồng ruộng cũng như một số bệnh, sâu bệnh thường gặp ở khoai tây. Qua đó nhằm tăng tỷ lệ củ giống, chất lượng củ giống tốt, củ giống đạt tiêu chuẩn theo quy định; năng suất cao, mẫu mã đẹp, sạch sâu bệnh không lẫn tạp từ đó đưa lại hiệu quả và thu nhập cao trên diện tích gieo trồng cả năm.
Các học viên tham gia lớp học
Sau những lớp tập huấn các hộ tham gia mô hình sẽ tập trung xuống giống là 2 giống Solara và Sinora vào cuối tháng 10/2012. Theo ước tính sơ bộ, dự kiến năng suất trung bình đạt 18,5 tấn/ha, cho thu nhập bình quân là 83 triệu đồng/ha. Hy vọng mô hình trồng thâm canh cây khoai tây vụ đông năm 2012 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vơi những ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất sẽ cho năng suất, chất lượng cao, tạo ra sản phẩm khoai tây hàng hóa có giá trị kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.