Đề tài được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 06/01/2023 và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cơ quan chủ trì thực hiện, thời gian thực hiện 24 tháng, từ tháng 01/2023 đến tháng 01/2025.
Mục tiêu đề tài: Xây dựng bộ ngữ liệu số về lịch sử, văn hoá tỉnh Thái Nguyên nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, giảng dạy tại Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị cấp huyện và dạy học chương trình giáo dục địa phương trong trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đáp ứng yêu cầu, xu thế chuyển đổi số hiện nay.
Sản phẩm khoa học chính gồm có:
+ 47 chuyên đề khoa học về lịch sử, văn hoá tỉnh Thái Nguyên;
+ 47 ngữ liệu số về lịch sử, văn hoá tỉnh Thái Nguyên (trong đó có: 11 clip, video dạng phóng sự; 05 ngữ liệu số sử dụng công nghệ 3D mô hình hoá; 31 tài liệu điện tử trình chiếu có chữ, âm thanh, hình ảnh, thuyết minh);
+ Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu ngữ liệu số trên môi trường Internet và đăng tải trên C-Thái Nguyên.
Thực nghiệm sư phạm là nội dung quan trọng của đề tài nhằm kiểm thử kết quả nghiên cứu và được tổ chức thực hiện tại Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị cấp huyện và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Nội dung kiểm thử sẽ lồng ghép chuyên đề khoa học, ngữ liệu số về lịch sử, văn hóa theo chủ đề vào các bài học cho phù hợp thực tiễn, bám sát chương trình giáo dục đào tạo và giảng dạy lý luận chính trị.
Tại buổi thực nghiệm, đoàn công tác đã dự giờ tiết học của chuyên đề “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn mới”, trong chương trình lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp phòng.
Sau khi kết thúc dự giờ, đoàn công tác tổ chức họp, thảo luận, đánh giá, nhận xét đóng góp ý kiến về nội dung, kết quả ứng dụng bộ ngữ liệu số vào trong giảng dạy.
Các ý kiến phát biểu của Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Trường Chính trị tỉnh đều nhất mạnh sự cần thiết, ý nghĩa của sản phẩm đề tài. Bên cạnh đó, cũng đề nghị lưu ý rà soát, lựa chọn kỹ hình ảnh, thuyết minh đảm bảo khoa học, chặt chẽ, chính xác khi xây dựng các ngữ liệu số.
Phát biểu ý kiến tại buổi họp, đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN đánh giá cao sự tập trung, cố gắng thực hiện của cơ quan chủ trì và ban chủ nhiệm đề tài. Để tiếp tục thực hiện đạt mục tiêu, nội dung, sản phẩm của đề tài, đưa kết quả của đề tài vào ứng dụng thực tế trong công tác tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, văn hoá tỉnh Thái Nguyên, Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài tiếp tục rà soát nội dung, sản phẩm theo thuyết minh đã phê duyệt, trong đó triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng các nội dung còn lại của đề tài. Đối với nội dung thực nghiệm sư phạm, căn cứ kết quả thực nghiệm và góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến đánh giá của học viên, đề nghị ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu tối đa, tiếp tục hoàn thiện bộ sản phẩm ngữ liệu số, nhằm đáp ứng tốt nhất, phù hợp tình hình thực tế trong công tác giáo dục, giảng dạy tại địa phương.
Đức Hiện, Phòng Quản lý Khoa học