Cách đây khoảng gần 10 năm, người tiêu dùng rất háo hức khi được dùng điện thoại thông minh quét tem có mã QR dán trên sản phẩm để truy xuất nguồn gốc. Nhưng sau một thời gian ngắn, những chiếc tem truy xuất nguồn gốc này không còn được nhiều người quan tâm nữa vì khi quét mã QR chỉ nhận được những thông tin đơn giản, sơ sài về đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm, không có thông tin chi tiết về sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh. Do vậy, các mã QR này chỉ là “truy xuất thông tin” chứ chưa phải là “truy xuất nguồn gốc”. Mặt khác, các tem truy xuất nguồn gốc có nội dung và hình thức khác nhau, không được chuẩn hoá nên đã dẫn đến tình trạng “loạn tem”, khiến người tiêu dùng không còn tin tưởng vào các mã QR này nữa. Bên cạnh đó, các văn bản pháp lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá còn thiếu, mới chỉ là các tiêu chuẩn, quy định, hướng dẫn chung, chưa cụ thể hoá cho từng nhóm sản phẩm nên đã gây ra nhiều khó khăn trong việc quản lý và sử dụng tem truy xuất nguồn gốc. Để khắc phục tình trạng trên và để bảo đảm tính thống nhất, chuẩn hoá trong việc quản lý và sử dụng tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hoá, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100). Đề án đã đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá đến năm 2030. Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện Đề án. Đặc biệt, ngày 21/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP, trong đó Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá, đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong quá trình quản lý và thực thi hoạt động truy xuất nguồn gốc. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để cơ quan quản lý và doanh nghiệp triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc một cách bài bản, hiệu quả.
Tại tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 09/4/2020 để triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh theo Đề án 100 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên (Chè; quả: na, nhãn, bưởi; thịt lợn; thịt gà và trứng gà; gỗ; quế). Bộ tài liệu này đã được Sở Khoa học và Công nghệ triển khai áp dụng thí điểm cho các sản phẩm OCOP tiêu biểu của 03 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc gắn với nhận diện thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè mang chỉ dẫn địa lý "Tân Cương" và hỗ trợ áp dụng cho 06 hợp tác xã đã được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Tân Cương". Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc gắn với nhận diện thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc này cho các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP và đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2023. Việc xây dựng và triển khai áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc trên đã góp phần thống nhất và chuẩn hoá việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp trong phạm vi toàn tỉnh; đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm trên thị trường; tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã minh bạch hoá thông tin của từng công đoạn tạo ra sản phẩm, chống các hành vi gian lận thương mại, giúp truy cập thông tin về sản phẩm một cách nhanh chóng và chính xác, kịp thời phát hiện những điểm không hợp lý để chủ động cải tiến, khắc phục, nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm, tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng, góp phần thâm nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 100, năm 2022, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong bảo vệ sở hữu trí tuệ và quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm chè Thái Nguyên” và giao cho Công ty TNHH STI Việt Nam là đơn vị chủ trì thực hiện.
Tại Hội nghị tập huấn, các đại biểu được nghe các chuyên gia của Viện Nghiên cứu tổ chức và Kinh tế số; Công ty TNHH STI Việt Nam phổ biến các quy định của pháp luật và hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; hướng dẫn ứng dụng công nghệ về truy xuất nguồn gốc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè và hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”. Cùng với đó, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực tiễn xây dựng và áp dụng hoạt động truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chè Thái Nguyên, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh bứt phá trong bối cảnh hiện nay.
Thông qua Hội nghị tập huấn này, nhằm cung cấp các thông tin nguồn gốc sản phẩm và quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm chè Thái Nguyền thông qua ứng dụng các công nghệ mới. Đồng thời, sẽ là cơ sở quan trọng để giúp các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh triển khai hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc và phát triển thương mại hoá sản phẩm chè của tỉnh Thái Nguyên, góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số hiện nay./.
Dương Chiêm, Thế Bằng