Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong bối cảnh hội nhập

Facebook   Zalo

Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã tác động tích cực đến đời sống kinh tế xã hội, tạo thuận lợi và từng bước đưa hoạt động và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta vào nề nếp; ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp ảnh hưởng xấu đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao tính khả thi, tính minh bạch và tạo hành lang pháp lý để môi trường kinh doanh phát triển lành mạnh; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người kinh doanh, người tiêu dùng, phát huy tối đa nguồn lực của mọi thành phần kinh tế phục vụ phát triển kinh tế xã hội; tạo điều kiện cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại nói chung và vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói riêng.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong bối cảnh hội nhập

Xã hội càng phát triển, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa càng phát triển mạnh mẽ, công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phục vụ đời sống xã hội là nhiệm vụ quan trọng không chỉ sản xuất kinh doanh dịch vụ, bảo vệ sức khỏe con người mà còn bảo vệ an toàn và tính mạng của người tiêu dùng. Thực hiện Luật Đo lường, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 119/2017/N Đ-CP ngày 01/11/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Quyết định số 712 /QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 996/QĐ-TTg,  ngày 10/8/2018 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Xác định tầm quan trọng của hoạt động đo lường trong quá trình hội nhập nền kinh tế Việt Nam với thế giới. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên, các sở, ngành liên quan, tổ chức doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo niềm tin của người dân trong tỉnh và đạt một số kết quả quan trọng.

          Công tác quản lý Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, giải thưởng chất lượng Quốc gia đạt được kết quả tốt, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, chống gian lận thương mại, thúc đẩy phát triển sản xuất và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Năm 2018, hoạt động giải thưởng chất lượng quốc gia; chương trình năng suất chất lượng, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, cảnh báo đồ chơi trẻ em độc hại nguy hiểm cho khoảng 500 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng quản lý thông qua các hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo nghiệp vụ, đôn đốc kiểm tra, tuyên truyền sâu rộng đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh; tiếp nhận và hướng dẫn 249 tổ chức cá nhân về xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, về công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sản phẩm hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, về ghi nhãn hàng hóa…

  Triển khai công tác giải thưởng chất lượng quốc gia, vận động các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đăng ký tham gia. Kết quả đến nay tỉnh Thái Nguyên có 7 doanh nghiệp được Hội đồng sơ tuyển đánh giá, lựa chọn trình Thủ tướng Chính phủ xét tặng doanh nghiệp tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của tỉnh (Trong đó: 01 doanh nghiệp đạt giải vàng; 06 doanh nghiệp đạt giải bạc).

          Công tác quản lý đo lường: Hoạt động đo lường pháp quyền được tập trung vào việc nâng cao hiệu quả công tác kiểm định. Qua đó đã rà soát tình hình sử dụng phương tiện đo đối với các lĩnh vực như: cân ô tô, đo lường điện, đồng hồ áp suất, huyết áp kế, điện tim, điện não, đồng hồ nước lạnh…Năm 2018, hướng dẫn trên 200 đơn vị thực hiện kiểm định phương tiện đo; hướng dẫn 50 đơn vị cá nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện quy định gắn thiết bị in chứng từ bán hàng cho cột đo xăng dầu. Tổ chức các hoạt động kiểm định đối chứng (cân đối chứng, đồng hồ nước lạnh, công tơ điện) trên địa bàn tỉnh. Giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu khoảng 100 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong việc thực hiện các quy định về đo lường (sửa chữa và thay thế cột đo), nhằm ngăn ngừa tình trạng gian lận thương mại về đo lường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh

          Công tác kiểm tra về đo lường, chất lượng sản phẩm và nhãn hàng hóa: Hoạt động kiểm tra có ý nghĩa quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trong năm 2018, Chi cục kiểm tra trên 120 cơ sở kinh doanh tập trung vào lĩnh vực đo lường, chất lượng xăng dầu, hàng đóng gói sẵn, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện, điện tử, nhãn hàng hóa, các phương tiện đo khác được sử dụng trong sản xuất kinh doanh hoặc mua bán trao đổi. Phối hợp các sở, ngành liên quan, các lực lượng chức năng, các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thái Nguyên (Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) kịp thời thanh tra, kiểm tra đột xuất các quy định về tiêu chuẩn đo lường chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường. Qua kiểm tra phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vụ vi phạm đã tác động tích cực đến ý thức, trách nhiệm của người kinh doanh cũng như người tiêu dùng trong tỉnh.

Công tác kiểm tra về đo lường, chất lượng sản phẩm và nhãn hàng hóa

Hoạt động Thông báo và hỏi đáp hàng rào kỹ thuật trong thương mại: Hoạt động đo lường đã có nhiều đổi mới với hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật đến các Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành được ban hành thay thế cho các quy định trước đây không còn phù hợp để hướng dẫn thực hiện. Năm 2018, Chi cục tập trung tuyên truyền văn bản pháp quy; cập nhật trên 1.200 thông báo, tin cảnh báo, bài sưu tầm, danh mục quy chuẩn kỹ thuật, danh mục văn bản quy phạm pháp luật, tin hỏi đáp liên quan đến hoạt động thông báo và Hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại đăng tải trên Websites của Sở phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin thông báo và hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Những năm gần đây, hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã có nhiều chuyển biến. Trên địa bàn tỉnh không có những vụ việc gian lận lớn về đo lường gây thiệt hại về kinh tế và mất lòng tin của người tiêu dùng. Công tác kiểm tra, tuyên truyền phổ biến các quy định của nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã nâng cao nhận thức, nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, vệ sinh, an toàn thực phẩm, nguy cơ ô nhiễm môi trường. Việc xử lý một số hành vi, vi phạm đã góp phần cảnh báo, răn đe cho các đơn vị khác có các hành vi vi phạm và tăng cường kỷ cương về thực hiện các quy định của pháp luật.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, người tiêu dùng Việt Nam có quyền được tiếp cận với nhiều sản phẩm dịch vụ đảm bảo chất lượng, hợp lý, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng của hàng hóa, dịch vụ và ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Chính vì vậy, triển khai Kế hoạch số 131-KH/TU ngày 02/4/2019 của Tỉnh ủy Thái Nguyên thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước nói chung, công tác về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng nói riêng, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong tỉnh, cần phải có cách tiếp cận mới; đa dạng hóa hình thức truyền thông; đổi mới nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng hoạt động đo lường hỗ trợ danh nghiệp; công khai rộng rãi tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh; phổ biến các chính sách để người tiêu dùng có thể nâng cao khả năng tự bảo vệ; hướng dẫn, hỗ trợ áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ về tiêu chuẩn hóa, quản lý chất lượng và phát triển năng suất chất lượng, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; phối hợp chặt chẽ các sở, ban ngành, lực lượng chức năng kịp thời thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm, góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư năng lượng; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; đẩy mạnh phát triển KHCN; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới./.

Facebook Zalo