MC Phương Thảo: Kính chào quý vị và các bạn!
Quý vị đang theo dõi Chương trình Tọa đàm trực tuyến “Tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm chè Thái Nguyên” trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên. Thưa quý vị, sở hữu trí tuệ không còn là vấn đề mới trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển như hiện nay. Đặc biệt, với ngành nông nghiệp nói chung và ngành chè nói riêng, sở hữu trí tuệ đã khẳng định là giải pháp bảo hộ sự phát triển và giá trị thương hiệu bền vững. Song bên cạnh thực tế là chưa có nhiều chủ hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp quan tâm đến sở hữu trí tuệ thì trong thời gian gần đây tình trạng một số đối tượng có hành vi làm giả, làm nhái các thương hiệu chè của các HTX, doanh nghiệp tại Thái Nguyên đã và đang xảy ra gây ảnh hưởng đến thị trường, niềm tin của người tiêu dùng. Xung quanh vấn đề về tăng cường sở hữu trí tuệ với ngành chè, chúng tôi có mời đến trường quay các vị khách mời. Xin được trân trọng giới thiệu: Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên; bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX chè Tuyết Hương (xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ).
Kính thưa các vị khách mời, thưa quý vị khán giả, thời gian vừa qua, trước khi thực hiện Chương trình Tọa đàm ngày hôm nay, phóng viên của chúng tôi đã gặp gỡ và chia sẻ câu chuyện về bảo vệ thương hiệu và những vấn đề làm giả, làm nhái thương hiệu với một số HTX sản xuất, chế biến, kinh doanh sản xuất chè tại vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên). Mời quý vị cùng theo dõi.
MC Phương Thảo: Vâng thưa ông Phạm Quốc Chính, sau khi nghe câu chuyện của những nhân vật trong Clip, ông đánh giá như thế nào về vấn đề làm giả, làm nhái thương hiệu các sản phẩm trà Thái Nguyên trong thời gian vừa qua?
Ông Phạm Quốc Chính: Trước hết, tôi xin cung cấp một số thông tin: Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 1 chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cho sản phẩm chè, đã được công nhận bảo hộ tại Liên minh châu ÂU (EU) thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA); có 2 nhãn hiệu chứng nhận là Nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Lương” và “Chè Võ Nhai”; có 9 Nhãn hiệu tập thể: Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”, được bảo bảo hộ thành công tại 6 nước và vùng lãnh thổ Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đài Loan Nhật Bản, Hàn Quốc; Nhãn hiệu tập thể “Chè La Bằng; Nhãn hiệu tập thể “Chè Tức Tranh”; Nhãn hiệu tập thể “Chè Vô Tranh”; Nhãn hiệu tập thể “Chè Trại Cài”; Nhãn hiệu tập thể “Chè Đại Từ”; Nhãn hiệu tập thể “Chè Phổ Yên”; Nhãn hiệu “PD Phú Đạt GREEN TEA”; Nhãn hiệu “Thanh Tình Hợp tác xã Chè”. Ngoài ra, có 96 nhãn hiệu thông thường của các tổ chức, cá nhân được cấp văn bằng bảo hộ (tính đến 31/12/2022).
Trở lại câu chuyện hàng giả, hàng nhái, qua kiểm tra, thanh tra chúng tôi đánh giá đa số bà con nông dân, các hộ sản xuất kinh doanh chè đều chấp hành tốt việc xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu. Tuy nhiên, bên cạnh đó hiện tượng làm giả, làm nhái vẫn còn có nhiều, không thể tránh được. Chúng tôi thanh tra và đã lập biên bản xử lý.
Cơ quan chức năng đã phát hiện các vụ việc vi phạm ở Hà Tĩnh, Hà Nội làm giả bao bì, nhãn mác... và đã xử lý những vi phạm. Chúng tôi đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, thanh tra, qua đó cũng đã phát hiện xử lý nhiều vụ việc. Tuy chưa được nhiều nhưng cũng góp phần làm giảm tình trạng hàng giả, hàng nhái.
Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên
MC Phương Thảo: Để có thể được nghe những chia sẻ thực tế, trực tiếp từ những người làm chè, chúng tôi có mời đến trường quay bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX chè Tuyết Hương. Thưa bà, là người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, theo bà việc sở hữu trí tuệ và bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm chè có tầm quan trọng như thế nào?
Bà Trần Thị Tuyết: Việc sở hữu trí tuệ và bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm chè là việc rất quan trọng đối với HTX chè, đó là đứa con tinh thần, là sản phẩm của công sức, trí tuệ của cả HTX. Việc bảo hộ cũng như sở hữu trí tuệ cũng khẳng định chất lượng sản phẩm của HTX, của vùng miền chè riêng có của Thái Nguyên.
Bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX chè Tuyết Hương (xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ)
MC Phương Thảo: Một trong những khó khăn được xem là rào cản hiện nay, đó là một số HTX, tổ hợp tác vẫn chưa thật sự quan tâm đúng mức đến sở hữu trí tuệ. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này, thưa ông Phạm Quốc Chính?
Ông Phạm Quốc Chính: Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học Công nghệ đã có nhiều giải pháp để tăng cường thực thi bảo hộ cũng như chống hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như: Tham mưu, xây dựng trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo hộ thực thi quyền và xử lý xâm phạm quyền; thường xuyên thông tin, tuyên truyền, tập huấn lĩnh vực sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về quyền sở hữu trí tuệ. phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể để kịp thời phát hiện sai phạm. Cùng với đó, chúng tôi cũng tiến hành tổng thể một loạt biện pháp về tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị của sản phẩm hàng hóa, nhận diện thương hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè.
MC Phương Thảo: Rất nhiều giải pháp đã được cơ quan chức năng thực hiện. Ở trên diễn đàn này, chúng tôi rất muốn nghe thực tế câu chuyện của bà Trần Thị Tuyết. HTX Tuyết Hương đã từng bị làm giả, làm nhái thương hiệu chưa, thưa bà?
Bà Trần Thị Tuyết: HTX chè Tuyết Hương từ khi thành lập năm 2012 đã bảo hộ thương hiệu và nhãn hiệu sản phẩm của HTX Tuyết Hương. Tuy nhiên, khi sản phẩm của HTX có thương hiệu uy tín thì thực tế việc bị xuất hiện hàng giả, hàng nhái trên thị trường cũng đã có. Nguyên nhân có thể là do khi chúng tôi gửi sản phẩm cho khách hàng qua bưu điện, công ty vận chuyển, thông tin của HTX, thông tin của khách hàng bị lọt ra ngoài, nên một số đối tượng đã lợi dụng việc này, lợi dụng thương hiệu của HTX chè Tuyết Hương để làm giả, làm nhái sản phẩm bán ra thị trường. Khi được khách hàng phản hồi lại về vấn đề này chúng tôi đã rất bức xúc và đã có cảnh báo đến khách hàng về thông tin chính thức của HTX chè Tuyết Hương với đầy đủ thông tin, truy xuất nguồn gốc, có địa chỉ và số điện thoại chi tiết, rõ ràng.
Bảo hộ thương hiệu đang là vấn đề được các HTX, tổ sản xuất chè rất quan tâm. (Trong ảnh: Bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX chè Tuyết Hương và xã viên đang thu hái chè)
MC Phương Thảo: Một trong những khó khăn được xem là rào cản hiện nay, đó là một số HTX, tổ hợp tác vẫn chưa thật sự quan tâm đúng mức đến sở hữu trí tuệ. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này, thưa ông Phạm Quốc Chính?
Ông Phạm Quốc Chính: Mặc dù công tác thông tin tuyên truyền, công tác kiểm tra được tổ chức thường xuyên nhưng nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức cá nhân, doanh nghiệp ở một số nơi chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Một số cơ sở chưa thực sự quan tâm đến việc duy trì nguồn nguyên liệu, mẫu mã bao bì chưa phong phú, chưa bắt mắt và chưa thực sự quan tâm đến sở hữu trí tuệ, chưa thực sự quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, HTX quy mô còn nhỏ lẻ; một số sản phẩm thô, chưa chế biến tinh, mang tính tự phát, sức cạnh tranh còn yếu, năng lực quản trị chưa cao.
Công tác thanh tra kiểm tra mặc dù đã rất tích cực nhưng vẫn còn lỗ hổng từ cơ chế chính sách và các hành vi làm giả tinh vi. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn biến mạnh mẽ nên tất cả các sản phẩm phải có thông tin rõ ràng, minh bạch đến từng hộ gia đình. Khi sản phẩm có thông tin rõ ràng, minh bạch thì người tiêu dùng thông minh có thể quét mã QR truy xuất nguồn gốc các sản phẩm và người tiêu dùng họ có quyền từ chối những sản phẩm không rõ ràng về nguồn gốc - Tôi muốn nhấn mạnh rào cản về nhận thức, hành động đối với việc bảo hộ quyền của các tổ chức, cá nhân hiện nay phần nào làm hạn chế phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên.
Hội thảo Khoa học thực trạng công tác quản lý và phát triển các sản phẩm chè của tỉnh Thái Nguyên đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được tổ chức vào tháng 6/2023. (Ảnh: baothainguyen)
MC Phương Thảo: Sở dĩ có việc chưa quan tâm đúng mức đến sở hữu trí tuệ có lẽ một phần do các HTX chưa thật sự hiểu hết về lợi ích của việc bảo hộ sở hữu trí tuệ với sản phẩm của mình. Ông có thể cung cấp thêm thông tin, thưa ông?
Ông Phạm Quốc Chính: Có thể nói quyền sở hữu trí tuệ là một quyền đặc biệt, hay nói cách khác giá trị của quyền sở hữu trí tuệ rất đặc biệt và nó càng có ý nghĩa quan trọng, mang tính sống còn với doanh nghiệp, HTX trong bối cảnh hiện nay khi toàn cầu hóa về kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, thực tế hiện nay không ít doanh nghiệp, HTX và người tiêu dùng cũng chưa nhận thức rõ được điều này, chưa nhận thức rõ giá trị của quyền sở hữu trí tuệ. Chính vì lẽ đó, nên việc bảo hộ cũng như chống hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn bị lơ là, thậm chí bản thân chủ văn bằng bảo hộ cũng không có hành vi để tự bảo vệ mình. Rõ ràng, cơ quan nhà nước đã có biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ rồi nhưng bản thân các chủ sở hữu văn bằng bảo hộ từ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận tập thể, cho đến nhãn hiệu thông thường cũng cần phải có “kháng sinh” để tự bảo hộ cho mình. Tôi cho rằng việc bảo hộ sở hữu trí tuệ phải là việc từ 2 phía, chứ không nên chỉ trông chờ vào cơ quan nhà nước. Đặc biệt, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hiện nay cần gắn với đổi mới sáng tạo, để làm nên nội lực cho các doanh nghiệp, HTX phát triển thương hiệu của mình. Về phía cơ quan nhà nước, chúng tôi cũng sẽ có giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các hợp tác xã, tổ chức, cá nhân nhận thức rõ giá trị của quyền sở hữu trí tuệ. Chúng tôi cũng hy vọng rằng, ngành chè của Thái Nguyên - một trong những ngành chủ lực tới đây khi làm tốt công tác bảo hộ thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu sẽ đem lại giá trị kinh tế cao cho người làm chè, để người làm chè không chỉ sinh sống mà còn làm giàu từ cây chè trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan gian trưng bày sản phẩm trà tại Hội nghị chuyên đề bàn về các giải pháp tăng cường, phối hợp nâng cao hiệu quả công tác quản lý phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà tỉnh Thái Nguyên
MC Phương Thảo: Rất nhiều giải pháp đã được cơ quan chức năng triển khai, còn với trực tiếp những HTX thì sao thưa bà Trần Thị Tuyết. Ở phần đầu chương trình bà đã chia sẻ về sự quan tâm của HTX với việc bảo vệ thương hiệu chè, vậy việc tiếp cận các thủ tục, quy trình, cách làm để bảo vệ thương hiệu chè của các HTX đã thật sự thuận lợi hay chưa, thưa bà?
Bà Trần Thị Tuyết: Đối với HTX Chè Tuyết Hương, chúng tôi đã thực hiện việc bảo hộ thương hiệu. Tuy nhiên, những thủ tục để được bảo hộ còn rất nhiều khó khăn, chúng tôi phải nộp đơn 3 tháng mới được chấp nhận đơn, sau 6, 7 tháng rà soát mới được cấp chứng nhận bảo hộ thương hiệu. Hết 10 năm gia hạn. Vừa mới đây, chúng tôi xin cấp lại. Tôi nghĩ với thời đại công nghệ phát triển thì thời gian không lâu lắm, chúng tôi đã gửi đơn về Cục Sở hữu trí tuệ và được thông báo là không bị vướng mắc gì cả. Tôi thấy quy trình cấp sở hữu trí tuệ về thủ tục không rườm rà nhưng thời gian rất lâu, chúng tôi đã nộp đơn từ tháng 6/2022 nhưng vẫn chưa được cấp lại chứng nhận sở hữu trí tuệ. Tôi không hiểu vướng mắc từ đâu.
MC Phương Thảo: Ở trên diễn đàn này, ông Phạm Quốc Chính có thể cung cấp thêm thông tin cho các HTX sản xuất, chế biến, kinh doanh chè về những kênh mà HTX có thể tiếp cận khi muốn thực hiện sở hữu trí tuệ với sản phẩm của mình, thưa ông?
Ông Phạm Quốc Chính: Trong bối cảnh Thái Nguyên đẩy mạnh chuyển đổi số như hiện nay, có rất nhiều thông tin cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký hay phản ánh về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Cá nhân, tổ chức có thể khai thác thông tin trên Cổng Thông tin của Bộ Khoa học và Công nghệ ở Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (tại địa chỉ http://dvctt.noip.gov.vn) để đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hoặc truy cập Cổng Thông tin điện tử của Cục Sở hữu trí tuệ (tại địa chỉ http://www.ipvietnam.gov.vn); nền tảng dữ liệu và dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp (nền tảng IPPLATFORM) của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (tại địa chỉ https://ipplatform.gov.vn); trên Cổng Thông tin của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên; hay trên ứng dụng C-ThaiNguyen cũng có tất cả thông tin về nhãn hiệu địa lý, nhãn hiệu chứng nhận tập thể cũng như các địa chỉ tôi vừa nêu trên. Cá nhân, tổ chức có thể có thể truy cập vào các địa chỉ này để phản ánh những thông tin về thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của các tổ chức, cá nhân mình.
Sản xuất VietGap gắn với bảo hộ thương hiệu được xem là giải pháp hiệu quả nâng cao giá trị chè Thái Nguyên.(Trong ảnh: Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm trà tại HTX chè Hảo Đạt, Tân Cương, TP. Thái Nguyên)
MC Phương Thảo: Hành vi làm giả, làm nhái thương hiệu, nhãn hiệu là hành vi vi phạm pháp luật. Xin ông Chính cho biết thêm về việc xử phạt đối với các hành vi này? Từ quan điểm cá nhân, theo ông việc xử phạt đã thực sự đủ sức răn đe để ngăn chặn các hành vi này chưa?
Ông Phạm Quốc Chính: Hiện nay, xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp được quy định rất rõ ràng các hành vi vi phạm trong quản lý nhà nước về quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ, xâm phạm quyền về sản xuất nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giả mạo nhãn hiệu về chỉ dẫn địa lý, các nhãn hiệu thông thường; sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn, vật phẩm mang chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể. Các hành vi được quy định rất cụ thể, nghiêm minh và đủ sức răn đe; có cả hình thức xử phạt bổ sung có thể là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đình chỉ các hoạt động sản xuất hàng hóa kinh doanh từ 1 đến 3 tháng; biện pháp khắc phục là phải tiêu hủy hàng hóa hoặc đưa vào sử dụng với mục đích thương mại các sản phẩm đó. Tùy theo mức độ để bị xử lý. Đánh giá khách quan chúng tôi cho rằng các hình thức xử phạt đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân. Trong nhiều năm vừa qua, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện vụ vi phạm lớn nào, còn những vụ nhỏ lẻ thì có nhưng chưa nghiêm trọng để xử lý theo quy định của pháp luật.
MC Phương Thảo: Khung pháp lý để xử phạt đã có, nhưng thực tế là việc tố giác các hành vi này từ nạn nhân là những HTX bị làm giả, làm nhái thương hiệu còn hạn chế. Đâu là rào cản khiến cho các HTX chưa thật sự muốn tiếp cận với việc tố giác, thưa bà Trần Thị Tuyết?
Bà Trần Thị Tuyết: Sản phẩm của HTX chè Tuyết Hương cũng đã bị làm giả, làm nhái thương hiệu. Chúng tôi đã phản hồi với khách hàng về những thông tin chính thống của sản phẩm mang thương hiệu chè Tuyết Hương. Ngoài ra cũng tìm nguyên nhân từ đâu lộ thông tin của khách hàng để các khách hàng của mình bị những đối tượng làm giả, làm nhái “lừa”. Thực tế chúng tôi cũng đã nhờ cơ quan chức năng truy số điện thoại để tìm đối tượng làm giả, làm nhái nhưng khi gọi đến các số điện thoại đó đều tắt máy, không liên lạc được… nên rất khó để tìm ra đối tượng. Mặt khác, bản thân các HTX cũng rất ngại tiếp cận với cơ quan chức năng để tố giác, kiện cáo những đối tượng làm giả, làm nhái… vì mất thời gian, công sức và trí tuệ.
Du khách quốc tế tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm trà Thái Nguyên tại Triển lãm trà quốc tế An Huy lần thứ 16, năm 2023 tại Trung Quốc.
MC Phương Thảo: Thực trạng và những khó khăn đã được phân tích từ đầu chương trình tới giờ. Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, xin ông cho biết những giải pháp của ngành để tiếp tục tăng cường việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với sản phẩm chè Thái Nguyên cũng như các nhãn hiệu chè của các HTX trên địa bàn, thưa ông?
Ông Phạm Quốc Chính: Để đảm bảo thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nói chung và cho sản phẩm chè của tỉnh Thái Nguyên nói riêng thì các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ phải tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ hơn nữa, chủ động tấn công đối với các hành vi vi phạm.
Trong thời gian tới chúng tôi áp dụng đồng bộ các biện pháp: Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh và nghiên cứu các cơ chế chính sách riêng cho sản phẩm chè trên địa bàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm chè của tỉnh Thái Nguyên.
Thứ hai, tăng cường phổ biến chính sách của nhà nước về phát triển thương hiệu, tổ chức tập huấn về xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm tại cơ sở giúp các hộ gia đình, làng nghề nhằm tăng cường nâng cao nhận thức về giá trị, để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, có sức cạnh tranh trên thị trường
Thứ ba, tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền sâu rộng về lĩnh vực sở hữu trí tuệ; đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho các cơ quan thực thi về SHTT để sẵn sàng phối hợp xử lý được ngay các hành vi vi phạm
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra nhãn hiệu, kiểm soát chất lượng sản phẩm để phù hợp với chất lượng khi đăng ký bảo hộ đối với tổ chức, cá nhân.
Thứ năm, nâng cao hiệu quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ của các địa phương trong tỉnh. Nghị quyết HĐND tỉnh vừa qua đã triển khai việc hỗ trợ về sở hữu trí tuệ. Nhân dịp này tôi cũng thông tin cho các tổ chức cá nhân là sẽ được Nhà nước hỗ trợ một khoản tiền khi xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm của mình.
Đặc biệt, bản thân các chủ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể của các sản phẩm phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu sản phẩm của mình để thương hiệu bay cao, bay xa, có giá trị thật trên thị trường và đem lại sức cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm chè, trong bối cảnh công nghệ 4.0 khi người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc qua mã QR-Code thì hành vi làm giả, làm nhái thương hiệu sẽ hạn chế.
MC Phương Thảo: Trong diễn đàn ngày hôm nay, chắc hẳn rất nhiều người dân, cũng là người tiêu dùng muốn lắng nghe những khuyến cáo từ cơ quan chức năng cũng như chính những HTX chè, trước hết xin mời ông Phạm Quốc Chính, xin ông cho biết những khuyến cáo của mình với người tiêu dùng?
Ông Phạm Quốc Chính: Chúng tôi cho rằng trong xu thế phát triển hội nhập như hiện nay thì các doanh nghiệp, HTX, các tổ chức, cá nhân dù lớn hay nhỏ khi tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thì ít hay nhiều đều liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Có thể xem đây là một tài sản vô hình rất lớn trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Chính vì lẽ đó, chúng tôi cũng muốn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nói chung cũng như sản xuất sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhanh chóng đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu hàng hóa của mình. Sau khi đăng ký bảo hộ rồi thì cố gắng tiếp tục duy trì phát triển thương hiệu, để thương hiệu đó đem lại lợi ích từ vô hình thành hữu hình và mang lại giá trị tốt nhất cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng là mang lại thu nhập cho các HTX, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
MC Phương Thảo: Còn với bà Trần Thị Tuyết thì sao ạ, bà có khuyến cáo gì muốn gửi tới người tiêu dùng qua diễn đàn này, thưa bà?
Bà Trần Thị Tuyết: Chúng tôi cũng đã khẳng định chất lượng thương hiệu của mình qua các sản phẩm trà và được thị trường đón nhận trong 10 năm qua. Tôi cũng khuyến cáo đối với các khách hàng, người tiêu dùng sản phẩm trà của Tuyết Hương là trên bao bì của sản phẩm đều có các thông tin về địa chỉ, địa điểm, số điện thoại, mã số, mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc cũng như bảo hộ thương hiệu chè Thái Nguyên cũng như thương hiệu riêng của Tuyết Hương. Khi khách hàng cần tìm truy xuất nguồn gốc thì rất rõ ràng, có thể phân biệt được hàng thật của HTX chè Tuyết Hương.
MC Phương Thảo: Quý vị khán giả thân mến! Những lời quảng bá giả mạo với các hành vi lừa đảo rõ rệt không chỉ làm ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín của ngành chè Thái Nguyên, mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng. Nếu không kịp thời ngăn chặn những hành vi này, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến giá trị cả về mặt kinh tế và văn hoá của ngành chè Thái Nguyên.
Chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm chè Thái Nguyên” với những phân tích và giải pháp từ cơ quan chuyên môn và trực tiếp từ HTX sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm chè hy vọng sẽ góp phần định hướng hiệu quả cho công tác bảo hộ thương hiệu chè Thái Nguyên trong thời gian tới. Một lần nữa chúng tôi xin được trân trọng cảm ơn sự tham gia của 2 vị khách mời, cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị khán giả.
Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại!
Nguồn: thainguyen.gov.vn