Tại các lớp tập huấn, hơn 300 người sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè của 6 xã: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Quyết Thắng và Phúc Hà đã được các giảng viên phổ biến các thông tin về chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”, quy trình đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” và các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”.
Toàn cảnh lớp tập huấn - Ảnh: Thế Bằng
Các đại biểu tham gia lớp tập huấn đã phát biểu nhiều ý kiến nêu lên những tồn tại cấp thiết của việc sử dụng chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” hiện nay như: Diện tích trồng giống chè trung du lá nhỏ (Giống chè duy nhất được bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”) đang giảm rất nhanh; tình trạng sử dụng chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cho các sản phẩm chè không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và chất lượng đang diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp; sản phẩm chè Tân Cương thường xuyên bị các tư thương ép giá, gây thiệt hại về kinh tế cho người nông dân; việc quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” còn gặp nhiều khó khăn...
Trong thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” để góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” trên thị trường./.