Toàn cảnh Hội thảo
Trong những năm qua, cây chè là cây trồng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường và là cây làm giàu của người dân Thái Nguyên. Tỉnh Thái Nguyên đã tập trung mọi nguồn lực để khai thác có hiệu quả, bền vững tiềm năng và lợi thế của cây chè trên cơ sở phát triển đồng bộ sản xuất, chế biến, tiêu thụ gắn với việc áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến, sản phẩm đa dạng, an toàn, chất lượng kết hợp với việc tạo dựng hình ảnh và danh tiếng của sản phẩm chè Thái Nguyên trên thị trường trong và ngoài nước.
Tháng 8/2006, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Qua gần 11 năm tồn tại, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực: Đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sản xuất, kinh doanh chè Thái Nguyên; đảm bảo xuất xứ, chất lượng của sản phẩm; nâng cao giá trị kinh tế và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; tăng thu nhập cho người trồng chè...
Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của Việt Nam đòi hỏi sản phẩm chè Thái Nguyên phải được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các thị trường nước ngoài. Tháng 7/2014, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại 03 nước: Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan.
Ngày 23/02/2016, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ cấp Văn bằng bảo hộ. Đây là điều kiện rất thuận lợi để nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của sản phẩm chè Thái Nguyên tại thị trường Mỹ, hạn chế nguy cơ bị chiếm đoạt nhãn hiệu “Chè Thái Nguyên” tại thị trường quốc tế, tạo ra những cơ hội và lợi ích ngày càng lớn hơn cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh chè Thái Nguyên.
Ông Phạm Quốc Chính - Giám đốc Sở KH&CN trao Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại Mỹ cho Hội nông dân tỉnh Thái Nguyên
Tại hội thảo, Sở Khoa học và Công nghệ đã công bố và trao Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại Mỹ cho Hội nông dân tỉnh Thái Nguyên - Đơn vị chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”. Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực của các đơn vị sản xuất chè nhằm tiếp cận và xuất khẩu sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” sang thị trường Mỹ.
Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan để nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tiếp tục được cấp Văn bằng bảo hộ tại Trung Quốc và Đài Loan trong năm 2017./.