Thiên nhiên đặc biệt ưu ái cho Thái Nguyên khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để cây chè bén rễ, sinh trưởng và phát triển. Nếu như mấy mươi năm trước, người Thái Nguyên chỉ trồng chè để phủ xanh đất trống, đồi trọc, coi như nguồn thu nhập phụ thì nay, chè đã trở thành cây trồng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường và là cây làm giàu của người dân trong tỉnh.
Với 22,3 nghìn ha chè, Thái Nguyên đang có quy mô diện tích chè lớn nhất cả nước, sản lượng đạt trên 244 nghìn tấn, thu nhập bình quân đạt 270 triệu đồng/ha. Sản phẩm chè Thái Nguyên hiện đã có mặt tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và một số nước trên thế giới. Thị trường trong nước đang là thế mạnh của chè Thái Nguyên, đạt gần 40.000 tấn, với giá tiêu thụ trong nước luôn cao hơn các vùng chè khác và tương đối ổn định ở mức từ 120-220 nghìn đồng/kg chè thành phẩm loại trung bình; từ 280-450 nghìn đồng/kg chè xanh đặc sản; chè đặc sản cao cấp có giá từ 2,5-3 triệu đồng/kg. Trong khi đó, xuất khẩu chè chỉ chiếm khoảng 20%, giá thành thấp, dao động từ 1,7-2 USD (khoảng 37-44 nghìn đồng)/kg và hầu hết mới ở dạng nguyên liệu thô.
Những năm qua, Thái Nguyên đã tập trung mọi nguồn lực để khai thác có hiệu quả, bền vững tiềm năng và lợi thế của cây chè trên cơ sở phát triển đồng bộ sản xuất, chế biến, tiêu thụ gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn tiên tiến, phát triển sản phẩm đa dạng, an toàn, chất lượng kết hợp với tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè Thái Nguyên được đặc biệt quan tâm.
Tháng 8-2006, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” cho Hội Nông dân tỉnh. Đây cũng là sản phẩm đặc thù đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Đến năm 2018, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được đăng ký bảo hộ thành công tại Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Sau đó, một loạt nhãn hiệu của các vùng chè đặc sản trên địa bàn tỉnh được bảo hộ. Các nhãn hiệu này đã góp phần nâng cao giá trị và thu hút sự quan tâm đặc biệt của thị trường đối với các sản phẩm chè Thái Nguyên.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại các thị trường có tiềm năng xuất khẩu là một đòi hỏi cần thiết của thực tế. Tháng 3-2018, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại các nước Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Bằng những nỗ lực kết nối, sau hơn 3 năm thẩm định hồ sơ, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được cơ quan sở hữu trí tuệ của 3 quốc gia trên cấp văn bằng bảo hộ. Như vậy, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Nói về sự kiện này, bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty CP chè Hà Thái, chia sẻ: Để tạo ra sản phẩm tốt nhất xuất khẩu ra các thị trường khó tính, chúng tôi không ngừng cải tiến dây chuyền sản xuất, liên kết với người dân để đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe về nguyên liệu, chất lượng. Bước đầu là tiêu chuẩn VietGAP của Việt Nam, sau đó là các tiêu chuẩn của châu Âu, của Mỹ và tiêu chuẩn hữu cơ. Việc nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tiếp tục được đăng ký bảo hộ thành công tại Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ giúp chúng tôi có thêm "biển lớn" mới để xuất khẩu sản phẩm chè tiêu chuẩn của mình.
Còn ông Tô Văn Khiêm, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc (Phú Lương), nói: Từ khi thành lập, Hợp tác xã luôn chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ để có cơ hội gia nhập các thị trường lớn trên thế Giới. Sau khi nhãn hiệu “Chè Thái Nguyên” được bảo hộ, các sản phẩm của chúng tôi đã được trưng bày, giới thiệu tại nhiều cửa hàng, siêu thị ở một số quốc gia. Việc thương hiệu được khẳng định đồng nghĩa với việc giá thành sản phẩm, lợi nhuận cũng tăng so với trước.
Về vấn đề chè Thái Nguyên "vươn ra biển lớn", bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hiệp hội chè Thái Nguyên chia sẻ: Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc là những thị trường khó tính nhưng vô cùng tiềm năng. Việc nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được bảo hộ tại các thị trường này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh; hạn chế nguy cơ bị chiếm đoạt nhãn hiệu tại thị trường quốc tế và mở ra nhiều cơ hội cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng, sản xuất và tiêu thụ chè. Bên cạnh đó, cũng đặt ra nhiều thách thức đối với những người làm chè Thái Nguyên, nhất là trong việc kiểm soát vùng nguyên liệu, số hóa quản lý sản xuất chè, đảm bảo tiêu chuẩn chè xuất khẩu và lựa chọn dòng sản phẩm phù hợp theo nhu cầu của từng thị trường…
Để phát huy hơn nữa hiệu quả nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”, theo ông Trần Văn Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu sản phẩm chè; xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu và cải tiến mẫu mã, bao bì để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các thị trường nước ngoài tiềm năng; xây dựng các chương trình, dự án cụ thể nhằm tăng cường công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
Nguồn: baothainguyen.vn