Ứng dụng khoa học công nghệ vào thâm canh na rải vụ

Facebook   Zalo

Nhằm triển khai thực hiện tốt các nội dung nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh cây na rải vụ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”. Ngày 11/02/2022, tại xã La Hiên, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Thái Nguyên) phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc và áp dụng quy trình thâm canh cây na rải vụ cho 40 hộ dân thuộc 02 xã La Hiên và Phú Thượng (Võ Nhai).Tham gia lớp tập huấn có các cán bộ kỹ thuật và các hộ dân trong vùng dự án.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào thâm canh na rải vụ

Hội nghị tập huấn kỹ thuật chăm sóc và áp dụng quy trình thâm canh na rải vụ tại xã La Hiên (Võ Nhai).

Mục tiêu của dự án là ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng thành công mô hình thâm canh cây na rải vụ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, quy mô 03 ha. Dự án được triển khai từ tháng 11/2021 đến tháng 11/2024. Đến thời điểm này, Ban Chủ nhiệm dự án đã tổ chức khảo sát, lựa chọn địa điểm, các hộ tham gia dự án; tiếp nhận 04 quy trình kỹ thuật về cây na để hoàn thiện quy trình thâm canh na rải vụ phù hợp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. 
Việc áp dụng quy trình thâm canh na rải vụ sẽ giúp cây na sinh trưởng phát triển khỏe. Thời gian thu hoạch quả vào các đợt trong năm như: chín sớm tháng 7 khoảng 25-30% sản lượng; chín chính vụ tháng 8-9 khoảng 55-65% sản lượng và chín muộn tháng 10-11khoảng 10-15% sản lượng. Mẫu mã, màu sắc quả đẹp, màu xanh hơi hồng, vàng nhẹ, không có sâu bệnh. Trọng lượng na 250-300g/quả. Kết quả của việc xây dựng mô hình thâm canh cây na rải vụ giúp tăng giá trị sản phẩm từ 10% trở lên so với mô hình truyền thống; kích thước quả to đều, mẫu mã đẹp và ngon, ngọt đậm hơn; kéo dài được thời gian thu hoạch trong năm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng giá trị cho sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế. Dự án triển khai thành công sẽ góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, từng bước thay đổi tập quán canh tác của người dân trồng na. Đây cũng là cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, tạo điều kiện cho việc thực hiện mô hình thâm canh cây na rải vụ đạt năng suất cao, ổn định chất lượng và chủ động được thời vụ. Từ đó, nhân rộng, chuyển giao cho doanh nghiệp và người dân./.
 

Dương Chiêm, Thế Bằng

Facebook Zalo