Với mục tiêu, hình thành một nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng công nghệ đốt tiên tiến, có thu hồi năng lượng để sản xuất điện, nhằm giải quyết triệt để, hiệu quả vấn đề xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Chủ đầu tư đã lựa chọn Khu xử lý chất thải Đá Mài, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên làm địa điểm xây dựng Nhà máy. Nhà máy có quy mô công suất 480 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày đêm, phát điện 10MW; diện tích sử dụng đất xử lý chất thải 8,7ha; thời gian hoạt động dự án 49 năm. Công nghệ chính sử dụng trong dự án là công nghệ lò đốt nguyên khối. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.150 tỷ đồng. Nhà máy đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; đảm bảo tuân thủ các quy trình kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn môi trường, vệ sinh công nghiệp …; không gây ô nhiễm thứ cấp, thay thế chôn lấp và tiết kiệm quỹ đất; không đòi hỏi phân loại rác thải từ nguồn; đồng thời, thu hồi được năng lượng để sản xuất điện; góp phần tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đã góp ý, phản biện các phương án công nghệ để chủ đầu tư chọn được phương án và công nghệ phù hợp nhất cho dự án. Đồng thời, đề nghị đơn vị tư vấn, chủ đầu tư cần chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung về sử dụng công nghệ trong hồ sơ dự án đầu tư như: Phân tích và lựa chọn phương án công nghệ; sơ đồ quy trình công nghệ; tài liệu chứng minh công nghệ; dự kiến kế hoạch đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật để vận hành dây chuyền công nghệ; điều kiện sử dụng công nghệ; đánh giá sơ bộ tác động của công nghệ đến môi trường…
Kết luận cuộc họp, đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng đề nghị đơn vị tư vấn, chủ đầu tư bổ sung hoàn thiện hồ sơ dự án theo ý kiến của Hội đồng và gửi lại cho Sở Khoa học và công nghệ để triển khai các bước tiếp theo./.
Dương Chiêm, Thế Bằng