Các phong trào thi đua yêu nước thời gian qua đã có đổi mới về nội dung, hình thức, thiết thực và hiệu quả hơn. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến được quan tâm và có chuyển biến rõ nét. Công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua. Việc áp dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa quản lý công tác thi đua, khen thưởng đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, gây khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội đòi hỏi đã đến lúc Luật cần phải được bổ sung, sửa đổi, thay thế cho phù hợp với thực tiễn của cuộc sống như:
- Việc tổ chức triển khai phong trào thi đua ở một số nơi còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng Nhân dân, hiệu quả, tác dụng phong trào thi đua chưa cao.
- Luật có đối tượng điều chỉnh rộng, liên quan đến toàn bộ hệ thống chính trị nhưng điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng chưa bao quát hết các đối tượng và người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu nên tác dụng khen thưởng chưa cao.
- Một số quy định về thủ tục, thành phần, số lượng hồ sơ chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính.
- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng chưa được quy định cụ thể, đồng bộ để đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chuyển đổi số quốc gia.
- Một bất cập của Luật mà nhiều người cho rằng chưa phù hợp thực tế, thậm chí là trở ngại, vướng mắc trong công tác thi đua, khen thưởng, đó là quy định cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” phải có sáng kiến. Trong thực tế hiện nay thì số lao động, cán bộ công chức, viên chức có sáng kiến cải tiến không nhiều, ngay cả khi có sáng kiến rồi nhưng phải viết ra làm sao, công nhận như thế nào, đây thực sự là một rào cản. Ở khối doanh nghiệp, đa phần các công ty chỉ áp dụng theo các sáng kiến đã có nên lao động xuất sắc là những người tích cực làm việc, đạt năng suất hiệu quả cao. Những công nhân đạt sản lượng khai thác cao là nhờ thao tác nhanh, không có động tác thừa, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và cường độ làm việc cao, đem lại hiệu quả cao trong lao động sản xuất, đóng góp vào kết quả phong trào chung của công ty. Vì thế, cuối năm nhiều người tuy đạt thành tích cao nhưng lại gặp trở ngại bởi “rào cản” sáng kiến. Đối với khối lao động trực tiếp đã khó khăn, khối quản lý nhà nước thì việc tạo ra sáng kiến đôi khi như “mò kim đáy biển”. Đặc biệt là những cá nhân làm việc mang tính phục vụ.
Với các căn cứ nêu trên, việc xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, các nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành và quá trình tổ chức thực hiện Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Ngày 15/6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã chính thức thông qua Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 (sau đây gọi tắt là Luật năm 2022) gồm 08 Chương, 96 Điều đã thể chế các quan điểm, định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Đảng, trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, chế định về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng và công tác cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng.
Dưới đây là một số điểm mới nổi bật ở Luật năm 2022:
1. Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng
- Bổ sung quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” (Điều 24), “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến” (Điều 28);
- Bổ sung quy định cụ thể thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, ban, ngành tặng danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến” hoặc ủy quyền công nhận danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến”cho cá nhân, tập thể thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, ban, ngành không có tư cách pháp nhân (khoản 3 Điều 79);
- Bổ sung quy định về thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công tham mưu, giúp về thi đua, khen thưởng (khoản 3 và khoản 5 Điều 83);
- Bổ sung trách nhiệm Người đứng đầu phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích để khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng (khoản 1 Điều 13), Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng (khoản 6 Điều 83), Cơ quan báo chí (khoản 4 Điều 13);
- Phân cấp cho Bộ, ban, ngành, tỉnh theo hướng Luật quy định tiêu chuẩn chung đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; đồng thời giao Bộ, ban, ngành, tỉnh trên cơ sở quy định chung của Luật, căn cứ đặc điểm, tình hình của từng đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề để quy định cụ thể một số nội dung được giao trong Luật, phù hợp với từng vùng miền, ngành nghề lĩnh vực.
2. Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó
Thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “tích lũy thành tích, cộng dồn thành tích” trước đây: Bổ sung nguyên tắc “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó” (điểm c khoản 2 Điều 5) và được thể hiện trong các điều, khoản của từng hình thức khen thưởng được quy định trong Luật về tiêu chuẩn, thành tích đạt được và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích.
Đặc biệt, Luật Thi đua, khen thưởng 2022 đã bổ sung quy định “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” là tiêu chuẩn có thể thay thế nếu không có sáng kiến, đề tài, đề án (khoản 2 Điều 23). Đây là có thể nói là một nút thắt được tháo gỡ đối với rất nhiều cá nhân có thành tích mà không có sáng kiến hoặc có sáng kiến, giải pháp hữu ích mà không thể viết ra thành văn bản theo mẫu quy định để được cấp có thẩm quyền công nhận.
3. Đẩy mạnh phong trào thi đua hướng về cơ sở
Đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thiết thực, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến):
- Bỏ quy định đăng ký thi đua là căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua (Điều 7);
- Bổ sung trách nhiệm của “Người đứng đầu” cơ quan, tổ chức, đơn vị (khoản 1 Điều 13);
- Bổ sung danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu (Điều 29);
- Sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn xét tặng một số danh hiệu thi đua (Điều 21, 22, 23, 24 và khoản 1 Điều 26);
- Bổ sung tiêu chuẩn xét tặng Cờ thi đua của Chính phủ đối với tập thể dẫn đầu cụm, khối thi đua do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức (khoản 2 Điều 25); tập thể dẫn đầu phong 4 trào thi đua chuyên đề ở cấp toàn quốc và cấp bộ, cấp tỉnh khi sơ kết, tổng kết (khoản 2 Điều 26).
4. Bổ sung nhiều đối tượng khen thưởng cá nhân, tập thể ở cơ sở
Chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ…; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo:
- Bổ sung nguyên tắc tại điểm d khoản 2 Điều 5;
- Bổ sung đối tượng dân quân thường trực, dân quân tự vệ cơ động là đối tượng được xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến” (khoản 2 Điều 24);
- Bổ sung đối tượng khen thưởng Huân chương Lao động các hạng (Điều 42, 43 và Điều 44), “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” (Điều 73), Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh (Điều 74) là nông dân, công nhân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác; doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học; cá nhân, tập thể có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ; công tác xã hội, từ thiện nhân đạo;
- Bổ sung đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” cho đối tượng là cán bộ nghiên cứu giáo dục (Điều 64);
- Bổ sung đối tượng xét danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”, “Thầy thuốc nhân dân” cho đối tượng là “hộ sinh” (khoản 1 Điều 65);
- Bổ sung đối tượng xét danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” cho đối tượng là “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” (khoản 1 Điều 66);
- Bổ sung cách tính thời gian (nhân hệ số 2) làm tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước đối với cán bộ y tế, giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (khoản 4 các điều 64 và 65).
5. Giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân
6. Khen thưởng đối với người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam
Nhằm cụ thể hoá Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, ngày 31/12/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (Nghị định số 98) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 gồm có 10 Chương và 117 Điều. Tiếp đó, ngày 24/02/2024 Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BNV quy định biện pháp thi hành Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định số 98 (Thông tư số 01).
Tại địa phương, ngay sau khi Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có hiệu lực thi hành, được cụ thể hoá và hướng dẫn bởi Nghị định số 98, Thông tư số 01, Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên - Cơ quan thường trực Hội đồng thi đua, khen thưởng tỉnh đã tổ chức tham mưu xây dựng và trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND quy định về thi đua, khen thưởng của tỉnh Thái Nguyên (thay thế Quyết định số 11/2018/QĐ-UBND ngày 11/6/2018) có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.
Để việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành, sau khi Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh có hiệu lực, Sở Khoa học và Công nghệ đã tập trung nghiên cứu, lấy ý kiến đóng góp của các tập thể, cá nhân có liên quan xây dựng và ban hành Quy chế thi đua, khen thưởng tại đơn vị đảm bảo đúng quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và quy định pháp luật khác có liên quan./.
(Toàn văn Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022; Nghị định số 98/2023/NĐ-CP; Thông tư số 01/2024/TT-BNV và Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở https://dosttn.gov.vn/pho-bien-phap-luat/).