Nghiệm thu dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng máy chế biến đặc sản Mỳ Định Hóa”

Facebook   Zalo

Nhãn hiệu tập thể "Gạo Bao thai Định Hoá" được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận ngày 26/10/2007, có hiệu lực trong 10 năm. Gạo Bao thai Định Hóa không chỉ thơm ngon mà các sản phẩm chế biến từ gạo như: mỳ gạo, bánh phở, bún... đều cho chất lượng ngon hơn khi sử dụng các loại gạo khác.

Nghiệm thu dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng máy chế biến đặc sản Mỳ Định Hóa”

Nhằm phát huy tối đa lợi thế này, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng máy chế biến đặc sản Mỳ Định Hóa” tại Quyết định số 103/QĐ-UBND ngày 14/01/2011. Sau 18 tháng triển khai thực hiện, sáng ngày 12/10/2012, Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức họp hội đồng nghiệm thu dự án. Dự án do Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa chủ trì thực hiện, với tổng kinh phí ngân sách sự nghiệp khoa học tỉnh hỗ trợ là 187,988,400 đồng.


Cơ quan quản lý dự án kiểm tra dây chuyền máy chế biến mỳ

            Đại diện Ban chủ nhiệm báo cáo kết quả thực hiện dự án, cho biết: Trước đây, việc xay bột, tráng và thái bánh trong quy trình sản xuất mỳ ở Định Hóa vẫn theo phương pháp thủ công, năng suất thấp nhưng sau khi đưa máy móc vào sản xuất thì năng suất tăng lên gấp nhiều lần. Nếu như trước đây, việc xay bột, tráng bánh, thái bánh thành sợi mỳ đều bằng tay, một lò chỉ chế biến được từ 45-50 kg gạo mỗi ngày thì khi sử dụng một máy xay và một máy tráng bánh, một lò sẽ chế biến được từ 200-250kg gạo mỗi ngày (cứ 5 kg gạo làm ra từ 4,5-4,7kg mỳ ), cho thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/ngày sau khi trừ các khoản chi phí bao gồm cả công lao động.

         Sau khi nghe Ban chủ nhiệm dự án trình bày tóm tắt báo cáo kết quả thực hiện dự án, các phản biện cho ý kiến và các thành viên hội đồng phát biểu. Hội đồng đánh giá cao kết quả mà dự án đã đạt được. Cơ quan quản lý dự án đề nghị UBND huyện Định Hóa tiếp tục quảng bá sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ để nghề sản xuất mỳ ngày càng phát triển và Mỳ Bao thai Định Hóa đến được với nhiều người tiêu dùng hơn nữa. Thành công của dự án đã đào tạo nghề cho bà con nông dân trên địa bàn huyện, chuyển giao công nghệ chế biến mỳ bằng dây chuyền cơ giới để nâng cao năng suất trong sản xuất đồng thời tạo việc làm và chuyển đổi việc làm từ sản xuất lao động thuần túy sang chế biến nông sản.

         Dự án được Hội đồng KH&CN tỉnh nghiệm thu xếp loại Khá và đề nghị Sở KH&CN ra quyết định công nhận kết quả dự án theo quy định./.

Facebook Zalo