Đề tài tổ chức nghiên cứu thử nghiệm một số giống lúa tẻ thơm và lúa nếp mới được chọn tạo như: giống lúa tẻ HT9, SH4 và giống lúa nếp N98.
Giống lúa HT9: là giống do Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa thuần chọn tạo từ tổ hợp lai HT1, D177 năm 2001, hạt gạo trong, cơm mềm và thơm; có khả năng chống chịu tương đối tốt với một số loại sâu bệnh hại chính như sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh khô vằn, đạo ôn; năng suất lý thuyết có thể đạt 80 – 90 tạ/ha.
Giống lúa SH4: là giống do Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa thuần chọn tạo từ tổ hợp lai VĐ8, HT1, IR64, hạt gạo trong, cơm dẻo, thơm, vị đậm. SH4 đã được khảo nghiệm tại một số địa phương miền Bắc và miền Trung, đạt năng suất 60 tạ/ha, cao hơn giống KD18 tại địa phương từ 5 – 10%.
Giống lúa nếp N98: là giống do Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa thuần chọn tạo, cây cứng, chống đổ tốt, chất lượng gạo ngon, xôi dẻo và thơm. Năng suất trung bình 60 – 70 tạ/ha.
Quy mô thử nghiệm của đề tài là 20ha trong 2vụ (vụ xuân và vụ mùa) tại xã Đắc Sơn huyện Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên. Đề tài kết hợp nghiên cứu lý thuyết và triển khai thực nghiệm để xây dựng quy trình kỹ thuật phù hợp với điều kiện của tỉnh Thái Nguyên.
Sau 1 năm triển khai, đề tài đã hoàn thành được nội dung đề ra. Đã có 115 hộ tham gia mô hình, trong đó vụ xuân năm 2011 triển khai 10ha (4ha giống SH4, 4ha giống HT9 va 2ha giống N98), vụ mùa năm 2011 triển khai 10ha (4ha giống SH4, 2ha giống HT9 và 4ha giống N98). Thời kỳ đầu của vụ xuân năm 2011 tình hình thời tiết rét đậm kéo dài nhưng do chăm sóc kịp thời nên lúa vẫn sinh trưởng, phát triển tốt.
Một số kết quả khảo nghiệm:
Về năng suất: năng suất thực thu của các giống thực nghiệm đều cao hơn so với đối chứng từ 10 – 20%, thể hiện khả năng thích ứng tốt, trong đó SH4 đạt năng suất cao nhất 64 tạ/ha (giống đối chứng là HT1 đạt 56 tạ/ha).
Về sâu bệnh: Đối với một số bệnh như bạc lá, đạo ôn, khô vằn, sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy nâu, qua theo dõi nhận thấy mức độ nhiễm bệnh của các giống thử nghiệm đều ở mức nhẹ.
Về hiệu quả kinh tế: các giống thử nghiệm cho giá trị kinh tế từ 49 triệu – 53 triệu đồng/ha, cao hơn so với các giống đối chứng tại địa phương từ 10 – 22%.
Về kỹ thuật: Đề tài đã hoàn thành 3 chuyên đề nghiên cứu về 3 giống lúa SH4, HT9, N98. Trên cơ sở đó đã hoàn thiện và xây dựng được 3 quy trình kỹ thuật canh tác phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh Thái Nguyên.
Đề tài được Hội đồng KHCN tỉnh đánh giá cao, nghiệm thu đạt loại Xuất sắc.