Tham gia đoàn kiểm tra có phòng Quản lý KH&CN cơ sở, phòng Kế hoạch – tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, đại diện Sở Tài chính phòng Kinh tế và hạ tầng – cơ quan thường trực Hội đồng KH&CN.
Những mô hình chăn nuôi gà được triển khai nhằm mục đích chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về phương thức chăn nuôi gà thịt bán thả vườn an toàn sinh học, giúp bà con nông dân lựa chọn giống gà phù hợp, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, khống chế bệnh tật và không gây ô nhiễm môi trường. Mỗi mô hình được triển khai với quy mô 6000 con giống gà Mía lai tạo ra từ tổ hợp lai giữa gà trống Mía và gà mái Lương Phượng, có sức đề kháng tốt, dễ nuôi và có chất lượng cao hơn so với các giống gà khác cho 13 hộ nông dân. Mỗi hộ chăn nuôi tham gia mô hình được hỗ trợ 500 con giống và một phần vật tư chăn nuôi gà Mía lai.
Gà lúc 5 ngày tuổi
Ngay từ những ngày đầu triển khai mô hình, Trạm khuyến nông huyện Phổ Yên và phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phú Bình đã tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật, phát tài liệu hướng dẫn chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học cho bà con nông dân tham gia mô hình và triển khai thực hiện mô hình theo đúng quy trình: Chuồng có mái lợp, rèm che; dụng cụ cho ăn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, chuồng nuôi thường xuyên được tẩy uế bằng vôi và thuốc sát trùng; nền khô, sạch và được nuôi với mật độ 5 con/m2.
Gà lúc 3 tuần tuổi
Tới thời điểm kiểm tra cho thấy tỷ lệ nuôi sống đạt trên 95%, trọng lượng bình quân đạt 0,5-0,8 kg/con. Gà Mía lai nuôi theo phương thức bán chăn thả có khối lượng cao hơn nuôi theo phương thức nhốt, do các hộ dân nuôi gà theo phương thức nhốt sử dụng cám công nghiệp có hàm lượng đạm thấp hơn. Sau 3 tuần tuổi, tỉ lệ tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng của gà Mía lai là 2,9-3,2 kg, thấp hơn gà Mía nuôi tại địa phương 3,2-3,3 kg.
Đoàn kiểm tra yêu cầu Ban chủ nhiệm dự án 2 huyện chỉ đạo sát sao quy trình kỹ thuật: cách chăm sóc, nuôi dưỡng và tiêm phòng đầy đủ vắc xin cho đàn gà theo đúng quy trình cho các hộ dân để đảm bảo cho đàn gà phát triển tốt đạt hiệu quả cao./.