Kiểm tra nghiệm thu mô hình bảo tồn nguồn gen cây na (Annona Squamosa) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Facebook   Zalo

Chiều ngày 20/8/2020, Sở KH&CN tiến hành kiểm tra mô hình bảo tồn nguồn gen cây na (Annona Squamosa) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Mô hình thuộc nhiệm vụ bảo tồn quỹ gen đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 539/QĐ-UBND ngày 23/02/2018. Thời gian thực hiện là 36 tháng, đơn vị chủ trì thực hiện: Công ty TNHH Xây dựng và phát triển Nông nghiệp xanh Thái Nguyên.

Kiểm tra nghiệm thu mô hình bảo tồn nguồn gen cây na (Annona Squamosa) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Tham gia đoàn kiểm tra có đồng chí Phạm Quốc Chính - Giám đốc Sở KH&CN, Phòng Quản lý Khoa học, Phòng KHTC, Ban chủ nhiệm dự án.

Đoàn kiểm tra đi thăm mô hình na dai trên núi đá 
tại xã La Hiên, huyện Võ Nhai

Cây na dai là cây ăn quả có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao, được trồng chủ yếu trên núi đá vôi. Ở Thái Nguyên na được trồng tại nhiều địa phương, nhưng chỉ có vùng đất tại huyện Võ Nhai, na được trồng thành vùng mang tính chất hàng hóa. Cây na Võ Nhai là sản phẩm đặc sản của tỉnh Thái Nguyên nói chung và của huyện Võ Nhai nói riêng. Na dai La Hiên - Võ Nhai đã được biết đến từ rất lâu, không những là giống cây cây trồng bản địa mà còn là giống cây ăn quả đặc sản, truyền thống có giá trị kinh tế cao cần được bảo vệ, bảo tồn lâu dài và đầu tư khai thác một cách hiệu quả, bền vững phục vụ phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người nông dân.
Việc bảo tồn kết hợp với khai thác hiệu quả nguồn gen cây trồng, đặc biệt là những cây trồng bản địa có giá trị đặc sản như cây na, không chỉ là trách nhiệm của địa phương, mà cây trồng đặc sản này còn mang lại một giá trị cạnh tranh rất lớn trên thị trường. Bởi vậy, ngoài giá trị khoa học đóng góp vào lĩnh vực bảo tồn nguồn gen, thì kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ khi được ứng dụng vào sản xuất sẽ mang lại hiệu quả kinh tế to lớn.

 

Mô hình na dai tại đất bãi bằng tại xã La Hiên, huyện Võ Nhai

Trên cơ sở các nội dung đã được phê duyệt, Ban chủ nhiệm đã tiến hành thí nghiệm các công thức về phân bón vi sinh, liều lượng phân NPK, cắt tỉa, phun bổ sung GA3 và một số thí nghiệm khác trên cả hai loại đất trồng (đất trồng trên núi đá và đất bãi bằng), hoàn thiện được quy trình kỹ thuật chăm sóc trên cây na dai và áp dụng quy trình kỹ thuật để thực hiện mô hình thâm canh 3 ha na dai (trong đó 2ha trên núi đá và 01 ha đất bãi bằng). Việc áp dụng các kỹ thuật mới bước đầu cho thấy, cây na sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, tỷ lệ ra lộc, đậu quả, chất lượng quả đồng đều nhiều hơn những năm trước, hiện mô hình canh tác đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch quả. Qua kiểm tra, Sở KH&CN cũng đề nghị Ban chủ nhiệm tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cán bộ kỹ thuật, người dân vùng trồng na chăm sóc, theo dõi, ghi chép các chỉ tiêu để tổng hợp đánh giá kết quả mô hình; thực hiện đúng các mục chi, mức chi, hỗ trợ theo quy định, tổ chức thực hiện các công việc tiếp theo của nhiệm vụ đảm bảo đúng tiến độ thực hiện./.

Facebook Zalo