Kiểm tra mô hình trồng thử nghiệm cây dược liệu Đòn võ

Facebook   Zalo

Chiều 15/02/2022, Sở KH&CN tổ chức kiểm tra mô hình trồng thử nghiệm cây dược liệu Đòn võ tại xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ. Đây là nội dung của đề tài “Nghiên cứu sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh thoái hóa xương khớp từ nguồn dược liệu cây Đòn võ phát triển tại tỉnh Thái Nguyên”. Đề tài nằm trong chương trình hợp tác phối hợp giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

Kiểm tra mô hình trồng thử nghiệm cây dược liệu Đòn võ

Lãnh đạo Sở KH&CN kiểm tra mô hình trồng thử nghiệm cây dược liệu Đòn võ

Tham gia đoàn kiểm tra cóa đồng chí Phạm Thị Hiền, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, chuyên viên phòng Quản lý khoa học và Ban chủ nhiệm đề tài. Đề tài do Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) triển khai thực hiện từ tháng 01/2021 đến tháng 12/2022. Với mục tiêu, phát triển nguồn dược liệu cây Đòn võ tại tỉnh Thái Nguyên; xây dựng được quy trình chiết xuất nhóm hoạt chất từ dược liệu cây Đòn võ và tạo sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh thoái hóa xương khớp. Hiện nay, đơn vị chủ trì đề tài đã thu thập mẫu cây Đòn Võ phân bố tự nhiên ở xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ; định danh tên khoa học, lập tiêu chuẩn mẫu cây và lưu mẫu; nghiên cứu và tiến hành nhân giống cây Đòn võ bằng phương pháp giâm cành; tỷ lệ giâm cành đạt khoảng 65-70%; tỷ lệ cây giâm cành đưa vào trồng đạt khoảng 80-85%. Đồng thời, xây dựng vườn trồng thử nghiệm gốc quy mô 800m2 với 500 cây tại xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ. Quy trình nhân giống và trồng thử nghiệm cây Đòn võ có thể nhân rộng để tạo ra vùng dược liệu Đòn võ tại tỉnh Thái Nguyên nhằm bảo tồn và phát triển các cây dược liệu quý và tạo vùng nguyên liệu để phát triển các sản phẩm hỗ trợ điều trị thoái hóa xương khớp.

Kiểm tra mô hình trồng thử nghiệm cây dược liệu Đòn võ -0Cây Đòn võ 

Cây Đòn võ là cây dược liệu bản địa của tỉnh Thái Nguyên, dạng cây thân gỗ nhỏ, mọc hoang trên các vùng núi và gần đây mới được phát hiện tại xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ. Cây Đòn võ có thể thu được thân lá để sử dụng và không mất nhiều công chăm sóc. Trong y học dân gian cây được dùng để chữa bệnh thoái hóa xương khớp, đau lưng, đau xương khớp… Nhằm bảo tồn và phát triển các cây dược liệu quý và tạo vùng nguyên liệu để phát triển các sản phẩm hỗ trợ điều trị thoái hóa xương khớp, nhóm nghiên cứu của Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã xác định được tên khoa học của cây Đòn võ là Premna flavescens. Kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy, cặn chiết ethanol của cây Đòn võ thể hiện hoạt tính kháng viêm khá tốt, không có độc tính và có chứa nhiều nhóm chất hóa học có hoạt tính sinh học cao. Đây là cơ sở tốt để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về thành phần hóa học và tác dụng dược lý để chứng minh tác dụng chữa bệnh của cây Đòn võ và chiết xuất, bào chế tạo sản phẩm bảo vệ sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh thoái hóa xương khớp.

Kiểm tra mô hình trồng thử nghiệm cây dược liệu Đòn võ -0
Nhân giống cây Đòn võ bằng phương pháp giâm cành 

Trên cơ sở kiểm tra, Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị, Chủ nhiệm đề tài tiếp tục nghiên cứu hóa học, chiết tách, phân lập và xác định cấu trúc các hợp chất từ lá và thân cây Đòn võ; xây dựng quy trình chiết xuất chế phẩm chứa nhóm hoạt chất từ lá hoặc thân cây; nghiên cứu tạo sản phẩm viên nang cứng hỗ trợ điều trị thoái hóa xương khớp; xây dựng bộ hồ sơ sản phẩm đủ điều kiện xin đăng ký lưu hành sản phẩm…theo đúng thuyết minh đã được phê duyệt. Đề tài triển khai thành công sẽ làm sáng tỏ thành phần hóa học và tác dụng sinh học của cây Đòn võ; bảo tồn được cây đặc hữu của tỉnh Thái Nguyên. Qua đó, tạo cơ sở khoa học để phát triển và sử dụng có hiệu quả cây Đòn võ trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đóng góp vào các công bố quốc tế và trong nước về cây Đòn võ./.

Dương Chiêm, Thế Bằng, Quốc Toản

Facebook Zalo