Tới dự hội thảo có phòng Quản lý KH&CN cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông huyện Phú Lương, Lãnh đạo UBND xã Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành, Yên Đổ, Yên Trạch và các hộ nông dân tham gia mô hình.
Mô hình được triển khai nhân rộng năm thứ 2 với quy mô 50ha diện tích đất trồng nhằm bảo tồn giống lúa nếp Vải đặc sản và tiến tới xây dựng thương hiệu “Gạo nếp Vải đặc sản huyện Phú Lương”, làm tăng giá trị gạo nếp Vải trên thị trường, đồng thời duy trì chất lượng cũng như phát triển thành vùng sản xuất lúa hàng hóa của địa phương.
Mô hình lúa nếp Vải tại cánh đồng xã Ôn Lương
Để triển khai mô hình đạt hiệu quả cao, phòng NN&PTNT huyện Phú Lương đã tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật trồng, thâm canh, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản và chế biến sau thu hoạch lúa nếp Vải, áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI cho 200 hộ nông dân. Mô hình hỗ trợ mua giống, vật tư, phân bón, thuốc BVTV theo đúng định mức quy định...
Tại Hội thảo, các hộ nông dân tham gia mô hình báo cáo tham luận đưa ra những thuận lợi cũng như khó khăn khi tham gia mô hình. Sau 6 tháng triển khai thực hiện mô hình, theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển, các yếu tố cấu thành năng suất cho thấy với tổng diện tích 50ha cấy lúa nếp Vải cho năng suất trung bình đạt 4,04 tấn/ha, sản lượng đạt 202 tấn, tương ứng với giá trị thu được là 56.560.000 đồng/ha. Giá trị thu được trên tổng diện tích mô hình là 2.828.000.000 đồng, trừ chi phí cho thu lãi là 1.701.125.000 đồng. Thực hiện thành công mô hình nhân rộng vùng sản xuất lúa nếp Vải đặc sản tại huyện Phú Lương đã góp phần bảo tồn giống lúa nếp có năng suất, chất lượng cao. Với quá trình áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học và công nghệ, phù hợp với điều kiện của địa phương thông qua mô hình đã tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn huyện Phú Lương, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân và bước đầu thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới./.