Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt hàng hóa theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn huyện Phú Bình”

Facebook   Zalo

Ngày 17/11/2012, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyên Phú Bình đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt hàng hóa theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn huyện Phú Bình” tại Ủy ban nhân dân xã Tân Khánh huyện Phú Bình. Thời gian thực hiện của dự án là 12 tháng (từ tháng 01/2012 đến tháng 12/2012), với tổng kính phí hỗ trợ từ nguồn sự nghiệp khoa học của tỉnh là 197,712,240 đồng. Tới dự hội thảo có phòng Quản lý KH&CN cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng NN&PTNT huyện Phú Bình, Lãnh đạo UBND các xã và các hộ nông dân tham gia dự án.

Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt hàng hóa theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn huyện Phú Bình”

Dự án được triển khai nhằm mục đích chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về phương thức chăn nuôi gà thịt bán thả vườn an toàn sinh học, giúp bà con nông dân lựa chọn giống gà phù hợp, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, khống chế bệnh tật và không gây ô nhiễm môi trường. Mô hình được triển khai với quy mô 6000 con giống gà Mía lai tạo ra từ tổ hợp lai giữa gà trống Mía và gà mái Lương Phượng, có sức đề kháng tốt, chất lượng thịt thơm ngon, màu sắc phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, dễ nuôi và có chất lượng cao hơn so với các giống gà khác. Mỗi hộ chăn nuôi tham gia mô hình được hỗ trợ được hỗ trợ 60% tiền mua gà giống (mỗi hộ 500 con giống), 40% thức ăn, vacxin phòng chống dịch bệnh, kháng sinh, thuốc sát trùng trong chu kỳ nuôi.

            Ngay từ những ngày đầu triển khai mô hình, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phú Bình đã tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật, phát tài liệu hướng dẫn chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học cho bà con nông dân tham gia mô hình và triển khai thực hiện mô hình theo đúng quy trình: Chuồng có mái lợp, rèm che; dụng cụ cho ăn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, chuồng nuôi thường xuyên được tẩy uế bằng vôi và thuốc sát trùng; nền khô, sạch và được nuôi với mật độ 5 con/m2.

Qua quá trình theo dõi, thăm thực tế các mô hình chăn nuôi gà cho thấy: các hộ chăn nuôi thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn; Gà Mía lai nuôi theo phương thức bán chăn thả có khối lượng cao hơn nuôi theo phương thức nhốt, do các hộ dân nuôi gà theo phương thức nhốt sử dụng cám công nghiệp có hàm lượng đạm thấp hơn. Sau 90 ngày tuổi, tỷ lệ sống đạt 95%, khối lượng trung bình đạt 2kg, qua hoạch toán sơ bộ sau 3 tháng nuôi, thu nhập lãi được 49,450 đồng/con. Tổng lãi của dự án sau khi trừ các khoản chi phí cho thu lãi 296,700,000 đồng.

 Mô hình nuôi gà thả vườn ở xã Tân Khánh

Tại Hội thảo, các đại biểu và các hộ nông dân đã thảo luận, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình thực hiện mô hình; thảo luận về các vấn đề khi mở rộng mô hình như: Vấn đề chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, thị trường tiêu thụ… các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về các giải pháp và đề xuất phát triển chăn nuôi gà thả vườn trong tổ chức sản xuất, kỹ thuật chăn nuôi (quản lý giống, thức ăn, kiểm soát dịch bệnh), tiêu thụ sản phẩm và các chính sách phát triển...

Thông qua dự án, người dân địa phương đã khai thác điều kiện đất đai, vườn bãi sẵn có dưới tán cây ăn quả, cây lâm nghiệp để thực hiện kết hợp phát triển chăn nuôi gà; thay đổi dần tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng ít sang chăn nuôi trang trại tập trung với số lượng lớn theo hướng sản xuất hàng hóa; áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi trang trại gà thả vườn theo hướng án toàn sinh học, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi./. 

Facebook Zalo