Cơ quan thường trực Hội đồng KH&CN huyện đã báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động trong 2 năm qua. Theo đó, Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện đã kiện toàn tổ chức bộ máy và thực hiện khá tốt chức năng tham mưu, nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò tham mưu tư vấn cho UBND huyện về công tác khoa học và công nghệ dần đi vào chiều sâu, có hiệu quả hơn: Tổ chức thẩm định và duyệt 07 đề tài, dự án Khoa học và Công nghệ trình cơ quan cấp trên xét duyệt. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra tiến độ thực hiện, tham gia nghiệm thu cấp cơ sở các dự án triển khai trên địa bàn huyện. Uỷ ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ; an toàn bức xạ,.…Hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học được đưa vào trong sản xuất và đời sống nhiều dự án, mô hình, các ô mẫu, trồng thử nghiệm và nhân rộng các mô hình thành công được triển khai trên địa bàn huyện, làm tăng năng suất, sản lượng lương thực góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Toàn cảnh hội nghị
Trong đó lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ được đầu tư gần 10,5 tỷ đồng, một số mô hình điển hình như: Mô hình kỹ thuật sản xuất gạch tuynel; Mô hình kỹ thuật sản xuất than củi, mùn cưa xuất khẩu; Bảo hộ nhãn hiệu tập thể chè Vô Tranh; Chuyển giao ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại sản xuất dăm mảnh xuất khẩu; Chuyển giao ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại trong sản xuất, chế biến lâm sản…. giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường . Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 03 cơ sở doanh nghiệp đã được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh đó là sản phẩm rượu, trà và gạch.
Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được hỗ trợ đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng điển hình là các dự án: Xây dựng mô hình trồng cây Ba kích làm dược liệu; Nhân rộngvùng sản xuất lúa Nếp vải đặc sản; Nhân rộng mô hình tưới chè bằng van xoay; Trồng và thâm canh cây chuối tây; Mô hình chuyển giao kỹ thuật trồng bí xanh… Việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất đã thu hút được sự quan tâm của nông dân, đem lại hiệu quả và năng suất cao.
Lĩnh vực bảo vệ môi trường trong 2 năm qua được đầu tư 377 triệu đồng đó là: Dự án khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam xây dựng được 110 công trình BIOGA; Ứng dụng chế phẩm E.M trong xử lý chất thải chuồng trại chăn nuôi; Mô hình công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gia cầm bằng đệm sinh học.
Những kết quả đạt được đã góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Phạm Bình Công, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Phú Lương thì hoạt động KH&CN tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Ở cấp cơ sở, mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của KH&CN trong việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhưng đội ngũ cán bộ có chuyên môn về Khoa học và Công nghệ chưa nhiều, công việc chủ yếu là kiêm nhiệm; cơ quan thường trưc Hội đồng KH&CN huyện tham mưu cho UBND huyện về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực KH&CN còn phiến diện nên công tác tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch hoạt động và xây dựng các đề án về KH&CN chưa hiệu quả; các đơn vị còn thiếu chủ động trong việc đề xuất triển khai các nhiệm vụ KH&CN. Các xã, thị trấn không có cán bộ chuyên trách về khoa học và công nghệ nên quá trình triển khai thực hiện các dự án, mô hình còn lúng túng. Tổ chức, biên chế và kinh phí hoạt động KH&CN cấp cơ sở chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể: việc thay đổi, điều chỉnh về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện như việc điều chuyển và bố trí cán bộ đã ảnh hưởng đến chuyên môn nghiệp vụ và công tác đào tạo nguồn nhân lực quản lý KH&CN huyện. Nhìn chung hoạt động quản lý KH&CN huyện Phú Lương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn huyện chưa cao.
Sau khi thảo luận, đánh giá 2 năm thực hiện hoạt động KH&CN trên địa bàn huyện, các phòng, đơn vị chuyên môn của UBND đã có nhiều ý kiến đề xuất về hoạt động KH&CN như: Tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý về KH&CN ở cơ sở. Tạo điều kiện tăng biên chế cho phòng Kinh tế và hạ tầng; Giúp cơ sở định hướng và xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa, quản lý chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm; Ứng dụng KH&CN trong việc quy hoạch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, phát triển trang trại; Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng KH&CN trong sản xuất và đời sống, phát triển chăn nuôi, trồng trọt, cải tạo vườn tạp, rừng thâm canh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Quốc Chính- Phó Giám đốc Sở KH&CN đã giải đáp những ý kiến tham luận của các phòng, đơn vị chuyên môn của huyện, các xã, thị trấn. Ông nhấn mạnh, để từng bước ổn định và tăng cường triển khai hoạt động KH&CN tại huyện Phú Lương cần tập trung một số vấn đề sau: Đẩy mạnh hoạt động Hội đồng KH&CN cơ sở, hướng dẫn phòng chuyên môn tham mưu cho UBND huyện xây dựng qui chế hoạt động của Hội đồng KH&CN cơ sở phù hợp với điều kiện nhân lực KH&CN của địa phương, đồng thời xây dựng nhiệm vụ KH&CN của huyện theo kế hoạch hàng năm. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, kiến thức KH&CN đối với cán bộ và nhân dân địa phương. Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý, phổ biến các quy định pháp luật về KH&CN cho lãnh đạo, cán bộ quản lý và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân trên địa bàn huyện. Đối với công tác quản lý đo lường và chất lượng hàng hoá, cần có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức các đợt kiểm định phương tiện đo với các đợt thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Ông cho biết, trong thời gian tới Sở KH&CN sẽ phối hợp với UBND huyện, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng dụng KH&CN xây dựng nông thôn mới, đề nghị UBND huyện tập trung lựa chọn những mô hình phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, là thế mạnh của địa phương để xây dựng một số mô hình trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, giải pháp khoa học và công nghệ đồng thời chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp tới người nông dân của các xã điểm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.