Đây là Hội thảo khoa học đầu tiên được tổ chức với mong muốn phát huy trí tuệ tập thể để có thêm những đóng góp khách quan, khoa học từ các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các nhà khoa học vào bản đề cương chi tiết “Lịch sử tỉnh Thái Nguyên”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc nhấn mạnh: Thái Nguyên là tỉnh có vị trí quan trọng và bề dày lịch sử, văn hoá lâu đời. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã luôn phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, xây dựng và phát triển quê hương đất nước. Từ khi tỉnh Thái Nguyên được tái lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã vượt qua khó khăn, tận dụng tiềm năng, thế mạnh và đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực; khẳng định vị thế của tỉnh đối với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX; đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội; luôn bình yên, hạnh phúc, sung túc và phát triển. Từ năm 1945 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã sớm thu hút sự quan tâm nghiên cứu của giới sử học. Tuy nhiên, các công tình nghiên cứu đã công bố chưa có tính hệ thống, chuyên sâu về lịch sử tỉnh Thái nguyên, do vậy việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử tỉnh Thái Nguyên là rất cần thiết, nhằm phục dựng lại quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Thái Nguyên từ khởi nguồn đến nay trên tất cả các phương diện.
Ngay khi được phê duyệt đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh, năm 2023, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã thu thập nguồn tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn, Ban Chủ nhiệm đề tài đã hoàn thành bản Đề cương sơ lược và Đề cương chi tiết của “Lịch sử Thái Nguyên” gồm 2 tập, 12 chương. Cụ thể: Tập 1 - Lịch sử Thái Nguyên từ khởi nguồn đến năm 1945 gồm 7 chương và tập 2 - Lịch sử tỉnh Thái Nguyên từ năm 1945 đến năm 2025 gồm 5 chương. Ngoài các chương nội dung, mỗi tập còn gồm có phần mở đầu, kết luận và phụ lục minh hoạ phong phú cho từng phần nội dung.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trịnh Việt Hùng - Uỷ viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo: Sở KH&CN phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh triển khai thực hiện tốt đề tài khoa học này. Đây sẽ là công trình khoa học có ý nghĩa to lớn, góp phần cung cấp nguồn tư liệu có giá trị, đảm bảo độ chính xác cao nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu, giáo dục, tuyên truyền lịch sử truyền thống của tỉnh đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là phục vụ công tác giảng dạy các chuyên đề giáo dục lịch sử địa phương của tỉnh Thái Nguyên. Qua đó, góp phần khơi dậy niềm tự hào về quê hương; khích lệ tinh thần đóng góp, cống hiến của mỗi người dân Thái Nguyên đối với sự phát triển của tỉnh và đồng thời, góp phần từng bước hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tại Hội thảo, đã có 10 ý kiến góp ý trực tiếp với Ban Chủ nhiệm đề tài về đề cương chi tiết lịch sử tỉnh Thái Nguyên (từ khởi nguồn đến năm 2025). Hầu hết các ý kiến đều tập trung góp ý về bố cục; phân kỳ lịch sử; sự kiện lịch sử; nhân vật lịch sử…Trên cơ sở đó, Ban Chủ nhiệm đề tài đã tiếp thu và bổ sung, chỉnh sửa theo ý kiến của các nhà khoa học để hoàn thiện đề cương chi tiết và nội dung “Lịch sử Thái Nguyên” đúng thời gian, đảm bảo chất lượng./.
Dương Chiêm, Thế Bằng