Theo đó, đề tài “Nghiên cứu, xây dựng quy trình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên” do Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên chủ trì thực hiện, trong thời gian 18 tháng (từ tháng 6/2023 đến tháng 12/2024). Đề tài được thực hiện tại xóm Đức Hòa, xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên; với mục tiêu xây dựng được quy trình, mô hình chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên. Đến nay, đề tài đã triển khai thực hiện được 09 tháng và bước đầu đạt được một số kết quả theo thuyết minh được duyệt gồm: Khảo sát và lựa chọn được địa điểm thực hiện các mô hình; xây dựng công thức phối trộn thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh cho lợn nuôi lấy thịt; thí nghiệm nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên quy mô 72 con, trong đó 36 con lợn đen bản địa và 36 con lợn ngoại thương phẩm…
Theo đánh giá của Ban chủ nhiệm đề tài, sau khi khảo sát chuồng trại, nhóm nghiên cứu xây dựng 4 ô chuồng nuôi thí nghiệm phù hợp cho 9 con/ô chuồng, tương ứng với 4 lô thí nghiệm (Đối chứng, thí nghiệm 1, thí nghiệm 2, thí nghiệm 3), tương ứng với 4 mức bổ sung bột lá chè xanh trong khẩu phần ăn (0%, 1%, 3%, 5%). Thức ăn cho lợn đều là thực phẩm tự nhiên (cám gạo, cám ngô, đậu tương, khoáng - vitamin tổng hợp…) ủ men vi sinh kết hợp với bột trà xanh. Hiện nay, lợn thí nghiệm đang trong giai đoạn 2 (3 – 4 thang tuổi). Qua 2 giai đoạn nuôi cho thấy, ngoài những loại vaccine tiêm phòng định kỳ theo quy trình, một số con bị bệnh thông thường như bệnh đường hô hấp, bệnh liên cầu sử dụng kháng sinh điều trị, còn lại trong thức ăn không có bổ sung kháng sinh. Phương thức chăn nuôi chuồng hở thông thoáng tự nhiên, trên nền đệm lót có bổ sung men vi sinh. Hiệu quả của phương thức này kết hợp với thức ăn đã ủ men cho thấy làm giảm mùi chuồng trại, giảm lượng khí thải độc hại; không cần sử dụng nước tắm cho lợn, tiết kiệm tối đa lượng nước sử dụng trong chăn nuôi. Lợn thịt đang trong giai đoạn phát triển thứ 2, một ngày được chăn nuôi 2 bữa sáng chiều, uống nước bổ sung bằng máng cao su. Mỗi ngày hiện nay trung bình 1 con lợn ăn 26 – 28 kg thức ăn ủ, khối lượng trung bình đạt 35 – 37 kg. Ngoài việc bổ sung bột lá chè xanh cho lợn thịt, lợn uống nước chè xanh cũng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe vật nuôi. Ngoài ra, việc tạo bãi chăn thả, chăn thả theo giờ, những khung giờ nắng ấm, tăng khả năng vận động cho lợn, nâng cao được khả năng trao đổi chất của lợn, giảm lượng tích lũy mỡ trong cơ thể, tăng độ săn chắc cho cơ bắp, nâng cao chất lượng thịt. Lợn thịt chăn thả vào buổi sáng đảm bảo được ánh sáng tốt nhất cho cơ thể lợn.
Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, chăn nuôi lợn thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh giúp nâng cao khả năng miễn dịch, tỷ lệ lợi khuẩn, giảm các bệnh thông thường trong đường tiêu hóa, nâng cao khả năng miễn dịch của lợn, tăng chất lượng thịt lợn. Đây là tiền đề để nâng cao giá trị thịt lợn, giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung. Từ hiệu quả mô hình, Ban Chủ nhiệm đề tài đang làm hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm thịt lợn được nuôi bằng thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên.
Sau khi tham quan thực tế mô hình, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng chủ trì buổi làm việc với cơ quan liên quan và các nhà khoa học. Đồng chí đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm của Sở KH&CN; đơn vị chủ trì; chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu. Đồng chí cho rằng hoạt động nghiên cứu rất thiết thực, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, là tiền đề tạo ra thực phẩm cao cấp gắn với thương hiệu trà Thái Nguyên. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài tiếp tục thực hiện các nội dung nghiên cứu theo tiến độ đã được phê duyệt; mở rộng nghiên cứu ở nhiều vùng khác nhau trên địa bàn tỉnh, từ đó tạo ra quy trình, công thức, thức ăn chăn nuôi lợn thương phẩm có sử dụng bột trà xanh Thái Nguyên để chuyển giao cho người chăn nuôi. Đồng thời, đề nghị Sở KH&CN tiếp tục theo dõi, bám sát tiến độ triển khai đề tài để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện./.
Dương Chiêm, Thế Bằng