Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết: Trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm thì “Truy xuất nguồn gốc” được coi là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được bảo đảm; đồng thời ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam. Qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.
Chia sẻ về lợi ích của việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, ông Nguyễn Vũ Trung, chuyên gia Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản khẳng định: Đối với các doanh nghiệp, việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc có thể làm tăng chi phí, nhưng lợi ích thu lại cũng không nhỏ, có thể kể tới như: giúp quản lý tốt chất lượng sản phẩm, từ khâu nuôi trồng, chế biến cho đến quá trình bảo quản, vận chuyển và phân phối; dễ dàng phát hiện và xử lý nếu có sự cố xảy ra; bảo đảm sự thu hồi nhanh chóng sản phẩm; giảm thiểu tác động của việc thu hồi sản phẩm. Đặc biệt, việc truy xuất nguồn gốc cũng giúp giải quyết việc giả mạo chuỗi cung ứng thực phẩm, tăng tính minh bạch, qua đó nâng cao uy tín của các sản phẩm trên thị trường.
Để phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, thời gian tới Cục Bảo vệ Thực vật sẽ xây dựng đội ngũ giảng viên để phục để phục vụ cho việc mở rộng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; triển khai chương trình về xây dựng mã số vùng trồng. Song song với đó sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ kỹ thuật địa phương, doanh nghiệp, người dân; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, hoàn thiện tiêu chuẩn Việt nam về thiết lập và quản lý vùng trồng để trình ban hành.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thành Thực - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đã thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn tình trạng thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc một cách chống chế gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng. Để sản phẩm có thể đứng vững trên thị trường, bà Thực khuyến nghị các hộ gia đình, doanh nghiệp nên chủ động trong việc tạo dữ liệu truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm vừa để bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng vừa bảo vệ chính chủ cơ sở sản xuất khi có vấn đề liên quan đến an toàn, chất lượng sản phẩm mặc dù việc thực hiện không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc.
Hội thảo cũng đã tạo ra một diễn đàn để cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ những vấn đề về truy xuất nguồn gốc, những mô hình điểm về truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh nghiệm thực hiện truy xuất nguồn gốc hiệu quả hơn trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Nhận định về ý nghĩa của hội thảo, trong thời gian sắp tới đoàn Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đồng hành tổ chức các Chương trình nhằm chung tay thúc đẩy hoạt động truy suất nguồn gốc, đặc biệt đối với các sản phẩm nông sản./.
Nguyễn Dung - Bí thư Chi đoàn Sở KH&CN