Trong những năm qua, việc chấp hành các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự, nhất là Luật Thi hành án hình sự, Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù (sau đây viết tắt là Nghị định số 80/2011/NĐ-CP) của các cấp, các ngành trong tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT) ở địa phương. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc quán triệt, thực hiện Luật Thi hành án hình sự, Nghị định số 80/2011/NĐ-CP và các văn bản pháp luật về thi hành án hình sự còn chưa thường xuyên; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được tăng cường nhưng chưa sâu rộng; công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng (người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ, người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện...) còn hạn chế, vẫn còn có người chấp hành án vi phạm pháp luật, vi phạm nghĩa vụ chấp hành án; công tác giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù và người chấp hành án hình sự tại cộng đồng chưa mang lại hiệu quả cao, nhất là việc học nghề, tạo việc làm, tìm việc làm để họ ổn định cuộc sống. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên một phần là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt, chưa phát huy hết năng lực của các nguồn lực trong cộng đồng xã hội; không ít người chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành án hình sự tại cộng đồng vẫn có tư tưởng tự ti, mặc cảm với quá khứ lầm lỗi của mình, không chịu sự quản lý, giáo dục của chính quyền địa phương...