Toàn cảnh buổi làm việc
Nằm ở vùng Tây Bắc, Lai Châu là một trong những tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, gần 80% đồi núi cao, nên điều kiện phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp không thuận lợi, dẫn đến kinh tế - xã hội của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã chủ động quy hoạch và xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó chọn cây chè là kinh tế mũi nhọn. Thông qua cơ chế ưu tiên thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển công nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã mở rộng diện tích chè từ 1.800ha lên trên 4.000ha, trong đó có trên 3.500ha chè bắt đầu cho kinh doanh.
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã chia về cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển cây chè: như: Quy hoạch vùng nguyên liệu được tiến hành trước, kế đó là hỗ trợ người làm chè tiền công chuyển đổi, cải tạo đất theo định mức từ 40-60 triệu đồng/ha. Đối với các doanh nghiệp khi đăng ký sản xuất, kinh doanh chè thì phải xác định được vùng nguyên liệu, chứng minh được năng lực sản xuất tỉnh mới cấp phép đầu tư. Đồng thời xây dựng cơ chế, quy tắc quản lý chặt chẽ, không cấp phép tràn lan, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ về kỹ thuật, con giống, phân bón và bảo đảm bao tiêu sản phẩm cho nông dân không ép giá, ép phẩm cấp. Đối với người trồng chè, sau khi được Nhà nước hỗ trợ khuyến khích đầu tư phải cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật của doanh nghiệp, bảo đảm tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm và khai thác nguyên liệu phục vụ sản xuất cho doanh nghiệp đúng địa chỉ, tiến độ, sản lượng và chất lượng.
Bằng các chính sách hỗ trợ hợp lý, cơ chế, chính sách quản lý chặt chẽ và sự đồng thuận giữa nhà nông, nhà quản lý, nhà khoa học và nhà đầu tư, đến nay, sản phẩm chè sạch Lai Châu đã có mặt tại các thị trường châu Âu, Nhật, Đài Loan, Pakistan, Ấn Độ…Hiện nay tỉnh Lai Châu đã và đang bán ra thị trường các dòng sản phẩm trà chủ yếu là: Matcha, Ôlong, Shen cha, Đông Phương…, trong đó trên 80% sản lượng được xuất khẩu.
Trong phát triển du lịch, tỉnh Lai Châu đã chọn ra một số sản phẩm du lịch mới, như du lịch khám phá dãy núi Hoàng Liên Sơn, du lịch sinh thái gắn với các vùng chè sạch và du lịch trải nghiệm, khám phá đời sống văn hóa của 20 dân tộc thiểu số tại các huyện vùng biên giới. Năm 2016, toàn tỉnh đã thu hút được gần 200 nghìn lượt khách, tăng gần 10 nghì lượt so với năm 2015, đạt mức doanh thu gần 300 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã vui mừng nhận thấy những nỗ lực bứt phá của tỉnh Lai Châu trong những năm gần đây, đồng thời đề xuất tăng cường hợp tác giữa hai tỉnh, trong đó tăng cường kết nối chia sẻ kinh nghiệm quản lý. Với lợi thế là trung tâm đào tạo của vùng phía Bắc, tỉnh Thái Nguyên sẽ kết nối với tỉnh Lai Châu hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Nhân dịp này, đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên cũng đã đến thực tế một số mô hình phát triển nông nghiệp của tỉnh Lai Châu.
Tin, ảnh: Bá Hoàng (Gửi từ Lai Châu)