Phát triển thị trường công nghệ ở Việt Nam

Facebook   Zalo

Thị trường là tập hợp các sự thỏa thuận thông qua có người bán và người mua tiếp xúc với nhau để trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Thị trường hình thành khi có sự tiếp xúc giữa người mua và người bán để trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ và được xác định bằng quan hệ cung cầu về hàng hóa hoặc dịch vụ hàng đó. Khoa học và Công nghệ như là một loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, cũng được mua bán, trao đổi lưu thông trên thị trường tương tự như các loại hàng hóa, dịch vụ khác.

Phát triển thị trường công nghệ ở Việt Nam

Thị trường khoa học và công nghệ là nơi diễn ra các giao dịch mua bán các sản phẩm khoa học và công nghệ (bản quyền, patent, bí quyết, sáng kiến và các dịch vụ liên quan đến hoạt động  khoa học và công nghệ). Thị trường khoa học và công nghệ có 5 yếu tố cơ bản để hình thành bao gồm: Khung pháp lý cho các giao dịch trên thị trường, bên mua, bên bán, cơ sở hình thành giá cả và các hoạt động hỗ trợ dịch vụ xúc tác giữa người mua và người bán.

Hiện nay thị trường khoa học và công nghệ ở Việt Nam mới mở những bước ban đầu với lượng giao dịch còn nghèo nàn và đơn điệu.

Hoạt động chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước với doanh nghiệp còn rất hạn chế. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp hoàn toàn không có mối liên hệ gì. Trên thực tế, họ có thể thông qua hợp đồng ký kết giữa 2 đơn vị nhưng dù sao cũng cho thấy một thực tế rõ ràng rằng hoạt động chuyển giao công nghệ theo chiều dọc ở Việt Nam chưa nhiều. Trái lại tình hình chuyển giao công nghệ từ bên ngoài thông qua nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ và đầu tư nước ngoài diễn ra tương đối sôi nổi với tốc độ ngày càng tăng, trong đó khoảng 90% là của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế cho thấy khu vực đầu tư nước ngoài không chỉ góp phần quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý vào Việt Nam ma còn tạo ra sức ép thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường.

Như vậy, tại Việt Nam, một số tiền đề, điều kiện cho thị trường khoa học và công nghệ vận hành đã được hình thành. Các quy định pháp lý cho hoạt động chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ chuyển giao từ nước ngoài đã được thiết lập. Các quy định về bảo hộ quyền sở hữu cũng được điều chỉnh tương đối phù hợp với những quy định trong luật pháp quốc tế. Hình thức hợp đồng về trao đổi sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ giữa các cơ quan nghiên cứu khoa học với các tổ chức khác và với doanh nghiệp đã được công nhận ngay từ đầu những năm 1980 và hiện nay đã trở thành phổ biến.

Tuy nhiên, những yếu tố để tạo nên một thị trường khoa học và công nghệ sôi động vẫn chưa được hình thành đầy đủ ở nước ta. Khung pháp luật cho thị trường và tính thực thi của pháp luật chưa cao. Số lượng các bên mua trên thị trường còn chưa lớn, lượng cung trong nước chưa nhiều và cơ chế kết hợp cung - cầu trên thị trường còn nhiều bất cập.

Thứ nhất, khung pháp luật cho thị trường khoa học và công nghệ chưa được hình thành đầy đủ, nhất là đối với các hoạt động triển khai, thử nghiệm ứng dụng các công nghệ do các cơ quan khoa học trong nước sáng chế. Chưa có quy định rõ ràng về quyền sở hữu các sản phẩm khoa học, nhất là sản phẩm do ngân sách Nhà nước cấp. Hiệu lực của pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp còn rất kém. Quyền sở hữu công nghiệp, đặc biệt là năng lực để thực thi các quyền sở hữu chưa tốt. Khung pháp luật về sở hữu công nghiệp chưa đầy đủ và chưa có tính hiệu lực cao.


Thứ hai, nhu cầu về sản phẩm khoa học và công nghệ chưa cao. Doanh nghiệp Việt Nam chưa được thông tin đầy đủ về những công nghệ trong nước hiện có, trong khi đó lại rất “sính” nhập các công nghệ nước ngoài. Chúng ta chưa có môi trường cạnh tranh thực sự để buộc doanh nghiệp phải chú trọng đến đổi mới công nghệ. Một mặt, một số doanh nghiệp nhà nước còn được hưởng nhiều ưu đãi do nhà nước tạo ra như độc quyền, tiếp cận nguồn vốn …do đó chưa chú trọng nâng cao tiến bộ công nghệ. Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam còn đang chập chững trong cơ chế thị trường và trình độ phát triển còn thấp. Hầu hết các doanh nghiệp bị hạn chế về vốn đầu tư và trình độ lao động khi nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới.

 Thứ ba, hoạt động chuyển giao công nghệ theo chiều dọc (từ các cơ quan nghiên cứu, các viện, các trường chuyển giao cho các doanh nghiệp trên cơ sở hoàn thiện công nghệ mới) hiện nay còn it, còn nhiều rào cản. Các cơ quan nghiên cứu cũng chưa có “lực đẩy” để gắn kết hơn các công trình nghiên cứu với hoạt động của doanh nghiệp cũng như chưa chú trọng tới việc quảng bá kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp. Hiện nay vẫn chưa có chính sách hữu hiệu thúc đẩy các cơ quan nghiên cứu phát triển ứng dụng kết quả nghiên cứu, công bố rộng rãi kết quả nghiên cứu và biến kết quả nghiên cứu thành các sản phẩm có giá trị thương mại. Các kết quả sáng tạo công nghệ của các cơ quan nghiên cứu và của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được chú ý để chính thức công bố và đăng ký để trở thành hàng hóa có thể mua bán được.

Thứ tư, hàng hóa cho thị trường khoa học phần lớn do Nhà Nước cấp kinh phí thực hiện theo chế độ giao trực tiếp nên hầu hết các sản phẩm không được định giá hoặc nếu được định giá thì ở mức quá thấp; không có sự cạnh tranh giữa những người bán hàng.

 Thứ năm, các hoạt động hỗ trợ thị trường công nghệ chưa được tổ chức tốt. Hệ thống thông tin và dịch vụ khoa học và công nghệ chưa làm tốt vai trò trung gian, thúc đẩy sự trao đổi thông tin giữa bên cung cấp công nghệ và bên có nhu cầu đổi mới công nghệ. Việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp còn nhiều thủ tục khó khăn, rườm rà. Việc tổ chức thực thi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp rất kém, điển hình là trong lĩnh vực phần mềm công nghệ thông tin. Hệ thống quản lý, lưu giữ thông tin về kết quả khoa học và công nghệ hiện nay còn rất yếu, chưa có một “ngân hàng” lưu trữ đầy đủ các sản phẩm khoa học và công nghệ, dẫn đến có nhiều đề tài, dự án đã được nghiên cứu nhưng doanh nghiệp hay người có nhu cầu sử dụng kết quả khoa học và công nghệ lại không biết thông tin để tìm đến người “cung cấp” sản phẩm khoa học và công nghệ.

 Về việc hình thành và phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở Vịêt Nam, hiện nay đang tồn tại hai quan điểm: một là, cho rằng cần xem xét những biện pháp để hình thành và phát triển cả thị trường khoa học và thị trường công nghệ, bởi vì trên thực tế nhiều khi khó có thể tách bạch đâu là hoạt động khoa học, đâu là hoạt động công nghệ; hai là, cho rằng chỉ nên tập trung xây dựng và phát triển thị trường công nghệ trong giai đoạn tới theo Luật khoa học và công nghệ, bởi vì lĩnh vực nghiên cứu khoa học ở nhiều nước thường do Nhà nước đảm nhiệm là chính.              

Về lâu dài, Việt Nam cần hình thành và phát triển hai loại thị trường có mối liên hệ mật thiết với nhau này. Tuy nhiên, trong bối cảnh nước ta đang trong giai đoạn chuyển sang cơ chế thị trường như hiện nay thì ít nhất trong 5 năm tới, Nhà nước cần tập trung tạo điều kiện để hình thành và phát triển thị trường công nghệ ở nước ta, để các doanh nghiệp, các nhà công nghệ thực sự tìm đến nhau, góp phần giúp doanh nghiệp Việt nam nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của mình. Khác với thị trường các sản phẩm thông thường, là nơi diễn ra sự trao đổi hàng hóa giữa người mua và người bán, thị trường công nghệ là nơi diễn ra sự trao đổi qua lại các bản quyền, patanh, bí quyết (knowhow) và những dịch vụ liên quan đến công nghệ.

Các giải pháp để hình thành và phát triển thị trường công nghệ trong thời gian tới.

* Nhà nước cần xây dựng khung pháp luật cần thiết để thị trường công nghệ hoạt động phù hợp với thông lệ quốc tế và bảo đảm pháp luật được thực thi trong cuộc sống. Muốn vậy cần phải:

- Từng bước hình thành khung pháp luật về  thị trường công nghệ; nhanh chóng xây dựng và ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ (trong đó có các vấn đề về sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, hợp đồng chuyển giao công nghệ…). Đây cũng là những vấn đề Việt Nam cần phải đối mặt trong thực hiện Hiệp định thương mại Việt - Mỹ đã được ký kết cũng như trong quá trình chuẩn bị tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

- Cần xử lý một số vấn đề liên quan tới quyền sở hữu và chia sẻ lợi ích giữa nhiều tác nhân tham gia quá trình trước khi tạo ra sản phẩm công nghệ (từ ý tưởng - nghiên cứu triển khai - chế tạo công nghệ). Cụ thể là:

+ Đối với sản phẩm công nghệ được hình thành từ nguồn vốn Nhà nước đầu tư (tức là từ kết quả của một nhiệm vụ khoa học và công nghệ của nhà nước) thì về nguyên tắc, quyền tác giả là của cá nhân hoặc tổ chức làm khoa học và công nghệ tạo ra sản phẩm đó. Tuy nhiên, quyền sở hữu đối với sản phẩm công nghệ này (licence, patent) phải là của Nhà nước. Một khi sản phẩm công nghệ đó được “bán” hoặc “chuyển giao” cho nhà sản xuất thì cần quy định rõ ràng về quyền lợi của cả người sở hữu lẫn tác giả của sản phẩm đó.

+ Nếu cá nhân, lẫn tổ chức khoa học và công nghệ tự đầu tư và tạo ra sản phẩm khoa học và công nghệ nhưng Nhà nước là người sử dụng sản phẩm đó (thuộc lĩnh vực công ích hoặc những ý tưởng chính sách) thì Nhà nước phải bỏ tiền ra để mua lại những sản phâmt đó.

* Áp dụng các biện pháp “kích cầu” đối với sản phẩm công nghệ cụ thể là:

- Tiếp tục thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế một cách  chủ động và có hiệu quả. Điều đó sẽ tạo áp lực cạnh tranh buộc các doanh nghiệp phải quan tâm hơn tới cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thị trường quốc tế.

- Ban hành và thực thi chính sách cạnh tranh và kiểm soát độc quyền ở Việt Nam. Tiếp tục thực hiện tiến trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước, xóa bỏ hình thức bao cấp đối với các doanh nghiệp Nhà nước.

- Thực hiện các biện pháp khuyến khích về thuế, tín dụng, và những công cụ tài chính khác để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ trong nước đã có.

* Thực hiện một số biện pháp nhằm “đẩy cung” sản phẩm công nghệ:  

- Khuyến khích các cá nhân hoạc tổ chức nghiên cứu triển khai thuộc lĩnh vực công nghệ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong việc hình thành nên sản phẩm công nghệ.

- Nhà nước thể chế hóa, tạo điều kiện hình thành các tổ chức nghiên cứu và phát triển công nghệ thuộc mọi thành phần kinh tế và thực hiện các biện pháp hỗ trợ về thuế, tín dụng để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nghiên cứu, sáng chế, phát minh và phát triển công nghệ của Việt Nam.

- Áp dụng cơ chế khuyến khích các cá nhân tổ chức đăng ký quyền sở hữu công nghiệp tại cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ lợi ích của mình, đồng thời khuyến khích việc chuyển giao công nghệ trong nước đã có.

- Thực hiện phổ biến rộng rãi các thông tin và kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ và đăng ký bản quyền cho các nhà công nghệ và các tổ chức nghiên cứu và phát triển có liên quan tới hoạt động khoa học và công nghệ.

 * Một số biện pháp khác: 

- Hình thành ngân hàng “công nghệ” của quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi để các khách hàng có thể tiếp cận dễ dàng những thông tin về các loại công nghệ hiện có ở Việt Nam và trên thế giới.

- Tạo điều kiện để hình thành các tổ chức tư vấn, dịch vụ công nghệ thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động theo luật định.

- Tổ chức thường kỳ các hội chợ “công nghệ”, hội thảo nhằm giới thiệu cho khách hàng những thành tựu công nghệ của Việt Nam cũng như công nghệ của nước ngoài.

- Công bố rộng rãi và thường kỳ những danh mục sản phẩm công nghệ (licence, patent) trong nước đã đăng ký.

Để thực hiện việc hình thành và phát triển thị trường công nghệ, ngoài những giải pháp chung như đã nêu trên đây cần có một số biện pháp cụ thể:

- Khen thưởng thỏa đáng và tôn vinh những tổ chức và cá nhân có công trình khoa học và công nghệ có chất lượng và hiệu quả cao trong thực tiễn.

- Các công trình khoa học và công nghệ tiến hành bằng nguồn vốn tự đầu tư và áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn sản xuất và đời sống, được đánh giá như những công trình do ngân sách đầu tư và được Nhà nước xem xét hỗ trợ về tài chính cho chi phí khoa học đã bỏ ra và hỗ trợ triển khai nhân rộng mô hình.

Từng bước hình thành và phát triển thị trường vốn, đặc biệt thị trường chứng khoáng theo lộ trình của chính phủ để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn đầu tư đổi mới sản phẩm công nghệ.

- Tổ chức chợ, hội chợ, trung tâm giới thiệu, trao đổi sản phẩm khoa học và công nghệ mới. Có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng, khai thác và phát huy tác dụng của các sáng chế và các giải pháp hữu ích nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.

- Tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước đối với việc nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Nhà nước để thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động khoa học và công nghệ. Có chính sách đảm bảo sự gắn kết lợi ích giữa người sáng tạo và các tổ chức, cá nhân áp dụng thành quả sáng tạo.

Tăng cường quản lý Nhà nước và công tác thanh tra trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. 
Facebook Zalo