Luật KH-CN sửa đổi: Bước tạo đà cho hoạt động KH-CN

Facebook   Zalo

Dự thảo Luật KH-CN (sửa đổi) đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (Quốc hội khóa XIII) và dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013, Quốc Hội khóa VIII) sẽ tạo được nền tảng pháp lý nhằm giải quyết triệt để những bất cập, vướng mắc, cản trở sự phát triển của khoa học và công nghệ (KH-CN) trong thời gian qua.

Luật KH-CN sửa đổi: Bước tạo đà cho hoạt động KH-CN



Đặc biệt, Luật KH-CN sửa đổi lần này  sẽ tập trung triển khai thực hiện ba nhiệm vụ then chốt mang tính đột phá trong hoạt động KH-CN là: Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động KH-CN; Tăng cường đầu tư của toàn xã hội cho KH-CN, trước hết là đầu tư vào hạ tầng KH-CN; Xây dựng chính sách sử dụng, trọng dụng cán bộ KH-CN.

Nhà nước phải có trách nhiệm đặt hàng

Sau 12 năm thực hiện, Luật KH-CN đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về KH-CN trong giai đoạn hiện nay. Thực tế ấy đòi hỏi cần phải sửa đổi luật có như vậy mới mong tạo đà cho hoạt động KH-CN có bước phát triển mới.

PGS.TS Đoàn Năng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ KH-CN cho rằng cần đặc biệt tập trung giải quyết các vấn đề như: sắp xếp lại hệ thống tổ chức KH-CN để bảo đảm đầu tư xây dựng các tổ chức KH-CN một cách có hiệu quả; đổi mới các quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục xác định nhiệm vụ KH-CN, tổ chức thực hiện và đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước; làm rõ hơn quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân hoạt động KH-CN…

 

Tuy nhiên cũng theo PGS.TS Đoàn Năng thì vấn đề đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KH-CN không phải là mới mà chưa được thực hiện nhiều do cơ sở pháp lý chưa đầy đủ và rõ ràng. Vì vậy, trong Luật KH-CN sửa đổi lần này, Bộ KH-CN cũng kiến nghị đưa cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ KH-CN vào Luật để khẳng định rõ trách nhiệm của cơ quan các cấp, các Bộ ngành, tổ chức cá nhân khi đặt ra nhiệm vụ KH-CN phải có trách nhiệm với các nhà khoa học khi đặt hàng và ngược lại. Ông Đoàn Năng cũng khuyến cáo, không phải tất cả các nhiệm vụ KH-CN đều được đặt hàng, đặc biệt trong một số lĩnh vực đặt hàng là rất khó. Ví dụ như nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn… vì vậy Luật này chỉ quy định vấn đề có tính nguyên tắc về đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KH-CN.

 

Đặc biệt, trong dự thảo Luật cũng đã quy định có sự phân cấp mạnh mẽ cho Bộ trưởng Bộ KH-CN trong việc xác định nhiệm vụ KH-CN cụ thể 5 năm và hàng năm của nhà nước thay cho việc trước đây các nhiệm vụ này đều phải trình lên Thủ tướng Chính phủ với quy trình và thủ tục phức tạp và thời gian kéo quá dài. Vấn đề này đã được Chính phủ đồng ý nhằm nâng cao quyền hạn của Bộ trưởng Bộ KH-CN đối với lĩnh vực do Bộ quản lý.  Do vậy, Bộ KH-CN sẽ thay mặt Nhà nước ký hợp đồng đặt hàng, các Bộ, ngành, địa phương đề xuất đặt hàng thực hiện nhiệm vụ cấp Nhà nước và có trách nhiệm tiếp  nhận kết quả và tổ chức việc ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

 

Nếu là nhiệm vụ do các Bộ, ngành, địa phương tự xác định, đặt hàng, thì sau khi đánh giá nghiệm thu xong, các Bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm tổ chức việc ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống và báo cáo Bộ KH-CN về kết quả nghiên cứu và thương mại hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ KH-CN. Như vậy sẽ giải quyết được hai việc đó là quy định thủ tục chặt chẽ và giải quyết được yêu cầu gắn trực tiếp hoạt động KH-CN với sản xuất và đời sống, tránh tình trạng nghiên cứu xong bỏ đó. Đặc biệt là việc đẩy mạnh phương thức thực hiện cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH-CN thông qua Quỹ của Nhà nước trong lĩnh vực KH-CN hoặc theo cơ chế Quỹ  nhằm bảo đảm tất cả các nhiệm vụ KH-CN sau khi được phê duyệt đều có kinh phí ngay và được quyết toán theo hợp đồng chứ không theo năm tài chính.

 

Đối với việc đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH-CN cũng cần phải có quy định trong Luật để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng xác định nhiệm vụ, hội đồng tuyển, xét chọn, đánh giá nghiệm thu… Dự thảo Luật sửa đổi lần này cũng cân nhắc đến việc sử dụng tư vấn độc lập trong việc xác định nhiệm vụ, tuyển chọn, xét chọn, đánh giá nghiệm thu cuối cùng để đảm bảo khách quan… và cùng rất nhiều quy định khác góp phần bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động của các khâu này. Và, nếu không sử dụng ngân sách Nhà nước mà các tổ chức cá nhân tự bỏ tiền ra thì họ sẽ tự xác định nhiệm vụ mà không cần tuân theo các quy trình, tủ tục như đối với sử dụng ngân sách Nhà nước.

 

 

Huy động DN tham gia hoạt động KH-CN

Để huy động các doanh nghiệp (DN) tham gia hoạt động KH-CN, dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định DN được trích một phần lợi nhuận trước thuế để đầu tư, lập quỹ phát triển KH-CN nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.  Đồng thời, Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về trường hợp DN đầu tư, liên kết với các tổ chức KH-CN để đầu tư nghiên cứu những vấn đề KH-CN thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa được các quỹ trong lĩnh vực KH-CN xét hỗ trợ, cho vay một phần kinh phí...

 

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng sẽ làm rõ thêm quyền sở hữu, đại diện quyền sở hữu nhà nước, thẩm quyền quyết định giao quyền sở hữu và quyền sử dụng đối với kết quả nhiệm vụ KH-CN được tạo ra bằng ngân sách cho tổ chức có đủ điều kiện thực hiện việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu đó, ưu tiên tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH-CN nhằm thúc đẩy thương mại hóa và chuyển giao, góp vốn bằng tài sản trí tuệ vào sản xuất kinh doanh.... Đồng thời thể chế hóa việc tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, sử dụng và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ KH-CN bằng những quy định về chế độ đặc biệt cho các nhà khoa học được giao nhiệm vụ KH-CN quan trọng của quốc gia, nhà khoa học đầu ngành và nhà khoa học trẻ tài năng, nhà khoa học có cống hiến đặc biệt xuất sắc...

 

Đặc biệt Dự thảo Luật cũng quy định giải quyết những vấn đề về tín dụng cho KH-CN cũng như các cơ chế chính sách khi thực hiện các nhiệm vụ KH-CN, gắn kết các tổ chức KH-CN với DN được quy định thông thoáng và thuận lợi hơn rất nhiều.Tuy nhiên, để làm được điều này, chắc chắn phải huy động chủ yếu ở khu vực ngoài Nhà nước (DN, tổ chức, cá nhân) đặc biệt cóp cả việc huy động từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức quốc tế.

 

Đối với các tổ chức cá nhân trong nước cần có những quy định khuyến khích, động viên (có những trường hợp phải bắt buộc) trích lập quỹ phát triển KH-CN. Đặc biệt đối với các DN nhà nước, theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6 về KH-CN mới được ban hành, buộc phải trích 1 tỷ lệ nhất định thu nhập trước thuế để lập quỹ đầu tư cho KH-CN (tất nhiên sẽ có những quy định cụ thể cho từng loại hình DN nhà nước).

 

Đối với các DN ngoài Nhà nước phải khuyến khích, động viên, có cơ chế tạo điều kiện để họ chi tiêu thuận lợi và có hiệu quả bởi hiện nay quy định cho phép được trích tới 10% thu nhập chịu thuế để lập quỹ phát triển KH-CN, nhưng DN không chi được vì cơ chế tài chính cho hoạt động Quỹ của DN hiện nay chưa phù hợp, khiến DN không dám chi vì không thể giải ngân. Vì vậy sau khi Luật mới được ban hành sẽ làm thay đổi cơ bản cơ chế tài chính cho Quỹ phát triển KH-CN của các tổ chức cá nhân trong đó có DN.

 

Trong dự thảo Luật cũng đề xuất một vấn đề rất quan trọng, đó là việc giao các biên chế nghiên cứu chuyên nghiệp cho các trường đại học công nghệ trọng điểm. Xuất phát từ tình hình thực tế, các trường đại học hầu như chỉ tập trung cho hoạt động đào tạo, còn nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thường bị thả nổi mặc dù là một trong hai nhiệm vụ chính trị của cơ sở giáo dục đại học (theo quy định của Luật giáo dục đại học). Vì thế hầu như không gắn kết được giữa nghiên cứu với đào tạo. Nguyên nhân là do tình trạng quá tải trong giảng dạy nên giảng viên không thể bố trí thời gian cho nghiên cứu, kinh phí nghiên cứu cũng eo hẹp nên đề tài nghiên cứu cấp cơ sở có mức kinh phí rất thấp (chỉ vài chục triệu đồng) không đủ để thực hiện đề tài một cách nghiêm túc, và cuối cùng là do các trường đại học không có biên chế nghiên cứu chuyên nghiệp và không có nguồn kinh phí thường xuyên để chăm lo cho đội ngũ nghiên cứu.

 

Ngoài đề xuất giao biên chế nghiên cứu chuyên nghiệp cho các trường đại học trọng điểm, Bộ KH-CN cũng sẽ hợp tác với Bộ GD-ĐT trong chương trình đào tạo sau đại học dùng ngân sách nhà nước hay hợp tác quốc tế để đào tạo các cán bộ có trình độ cao trong nước hay ở nước ngoài. Đồng thời kiến nghị với Bộ Nội vụ việc bổ nhiệm vào ngạch viên chức nên có những đổi mới để những người có trình độ cao có thể được bổ nhiệm đặc cách hoặc được nâng ngạch, nâng bậc tương xứng với trình độ và đóng góp của họ.

Facebook Zalo