Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư từ nguồn ngân sách cho hoạt động KH&CN gần 166 tỷ đồng, chiếm 0,27% tổng chi ngân sách địa phương. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh đã được minh chứng bằng thước đo năng suất các yếu tố tổng hợp TFP trong tăng trưởng kinh tế: Nếu như năm 2015 chỉ số TFP của tỉnh là 20,27% thì đến năm 2019 chỉ số TFP là 61,3% tức là tăng gấp 3 lần so với đầu nhiệm kỳ. Tính chung cả giai đoạn 2016 – 2020 chỉ số TFP trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh là 53,24%, cao hơn so với bình quân chung của cả nước.
Trong công tác quản lý nhà nước, Sở KH&CN đã tham mưu cho Bộ KH&CN, UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt, triển khai thực hiện gần 120 đề tài, dự án KH&CN các cấp; đã hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 11 sản phẩm; đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển thị trường doanh nghiệp KH&CN. Đặc biệt, trong hoạt động nghiên cứu ứng dụng, Chương trình hợp tác về nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ KH&CN giữa UBND tỉnh và Đại học Thái Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực, với 7 nhiệm vụ được phê duyệt, triển khai hiệu quả. Đáng chú ý là đề tài “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện SARS CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR”.
Tuy nhiên, mặc dù kinh phí đầu tư cho KH&CN từ ngân sách có tăng nhưng còn thấp so với mục tiêu đặt ra, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu và theo kịp tiến trình phát triển của KH&CN. Do đó, quy mô các đề tài, dự án còn khiêm tốn, sức lan tỏa chưa cao.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả trong lĩnh vực KH&CN của tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Thứ trưởng nhấn mạnh Thái Nguyên là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế trong công tác đào tạo nhân lực, chuyển giao tiến bộ KH&CN, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển các lĩnh vực công nghệ cao. Để ngành KH&CN của tỉnh có nghiều đóng góp hơn nữa vào sự phát triển của tỉnh, đồng chí đề nghị Sở KH&CN cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ KH&CN gắn với nhu cầu xã hội, chú trọng nghiên cứu ứng dụng thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đã đánh giá cao hoạt động KH&CN của tỉnh đã có bước chuyển biến quan trọng trong nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các hoạt động khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh và đất nước thời gian qua. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đặt ra những nhiệm vụ quan trọng đối với hoạt động KH&CN trong thời gian tới. Theo đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, vai trò quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đối với phát triển khoa học và công nghệ để nâng cao hơn nữa nhận thức về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Xác định ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ là một nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển ngành và địa phương. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, tập trung nghiên cứu các vấn đề thực tiễn của địa phương, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới. Phát triển thị trường khoa học và công nghệ, quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước. thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ cán bộ ngành khoa học và công nghệ, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu bảo đảm cả về số lượng và chất lượng qua đó đưa KH&CN trở thành động lực, là giải pháp đột phá cho sự phát triển KT-XH trên địa bàn.
Nhân dịp này, 30 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2016-2020 đã được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Thái Nguyên.