Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh. Về phía Sở KH&CN, có đồng chí Phạm Quốc Chính, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở; đại diện phòng chuyên môn thuộc Sở.
Thông qua việc triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 23 và Nghị quyết số 52 và các văn bản, cơ chế, chính sách liên quan đã góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên luôn ở mức khá. Trong những năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu tỉnh Thái Nguyên luôn ở Top 4 địa phương cao nhất cả nước và đứng đầu trong 14 tỉnh trung du miền núi phía bắc. Thái Nguyên là tỉnh thứ 5 trong cả nước được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã có trên 200 dự án FDI, tổng vốn đầu tư trên 11 tỷ đô la (trong đó Samsung trên 7,5 tỷ USD). Về cải cách hành chính năm 2023: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 2 toàn quốc; Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ nhất trong số 14 tỉnh khu vực Trung du Miền núi phía Bắc; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm (PII) đứng thứ 10 cả nước và đứng thứ 8 cả nước về chuyển đổi số.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao trách nhiệm và kết quả của tỉnh Thái Nguyên trong thực hiện Nghị quyết số 23 và Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị, đồng thời tập trung trao đổi một số nội dung như: Chính sách phát triển công nghệ thông tin, tạo môi trường thuận lợi để thu hút và phát triển doanh nghiệp; phát triển khoa học công nghệ cho phát triển công nghiệp; phát triển thị trường khoa học và công nghệ; kinh nghiệm hay của Thái Nguyên trong hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số…
Tiếp thu ý kiến của Đoàn công tác tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chia sẻ: Thời gian tới, Tỉnh Thái Nguyên sẽ tìm ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết số 23 và Nghị quyết số 52; tập trung phát triển công nghiệp với mục tiêu, định hướng chi tiết, rõ ràng hơn, tận dụng có hiệu quả các cơ hội do Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Đặc biệt là ưu tiên phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, thu hút nhân tài nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông. Tỉnh Thái Nguyên mong muốn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Ban Kinh tế Trung ương trong lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi trong phát triển lĩnh vực công nghiệp và triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Cùng với đó, quan tâm hỗ trợ đầu tư cho tỉnh Thái Nguyên về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông để kết nối các vùng kinh tế trọng điểm với mạng lưới giao thông quốc gia, cảng biển, sân bay, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong lịch trình làm việc, Đoàn công tác đã tiến hành khảo sát thực tế tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG về chuyển đổi số và Công ty TNHH Mani Hà Nội - Nhà máy Phổ Yên 2 về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên./.
Dương Chiêm, Thế Bằng