Đổi mới công nghệ là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Rất nhiều các doanh nghiệp đã nhận thức được vấn đề này nên đã và đang triển khai các hoạt động để đổi mới công nghệ.
Theo kết quả khảo sát đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp thuộc dự án First-Nasati do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) công bố năm 2018, có tới gần 85% doanh nghiệp tự thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển để có được các sản phẩm mới, chỉ có khoảng 14% doanh nghiệp đã phối hợp với các đơn vị bên ngoài để triển khai nghiên cứu đổi mới sản phẩm.
Hiện các doanh nghiệp chủ yếu đổi mới quy trình thông qua phương thức đầu tư vào công nghệ mới hay nâng cấp hoặc chỉnh sửa công nghệ hiện tại, trong khi các hoạt động chuyển giao từ các tổ chức KH&CN đến doanh nghiệp lại rất thấp.
Còn để đổi mới quy trình, chủ yếu các doanh nghiệp thực hiện thông qua phương thức đầu tư vào công nghệ mới hay nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ hiện tại, trong khi các hoạt động chuyển giao từ các tổ chức KH&CN đến doanh nghiệp lại rất thấp (dưới 1%).
Liên kết, chuyển giao tri thức hiệu quả là yếu tố then chốt giúp phát triển thị trường KH&CN
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về khoa học và công nghệ với pháp luật liên quan.
Cần có những giải pháp để tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp, tăng cường liên kết viện, trường và doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa.
Do đó, vấn đề liên kết chuyển giao tri thức, kết quả nghiên cứu giữa các nhà khoa học, viện, trường cho các doanh nghiệp có thể được coi là yếu tố quyết định giúp phát triển thị trường KH&CN, nhằm nâng cao trình độ KH&CN ở Việt Nam.
Để thực hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Bộ KH&CN đã có nhiều các chương trình, dự án hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ. Góp phần phát triển thị trường KH&CN, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần tham gia thị trường, các hoạt động liên kết và xúc tiến nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại hóa công nghệ rất quan trọng. Hiện nay, những mô hình về tổ chức trung gian đang tạo nên những cơ hội để các nhà đầu tư tìm kiếm các sáng chế, kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa trong mọi lĩnh vực để ứng dụng phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, hiện tại, về cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường khoa học và công nghệ hiện nay đã được hoàn thiện nhưng chưa thực sự đầy đủ và đáp ứng được như mong muốn của các bên tham gia vào thị trường khoa học và công nghệ, sự kết nối giữa các nhà khoa học của Viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp KH&CN với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, phân phối, thương mại hiện còn hạn chế.
Tổ chức trung gian chưa đủ mạnh để cung cấp các dịch vụ kết nối, hỗ trợ bên cung, bên cầu và các bên khác trong các giao dịch liên quan đến công nghệ, tài sản trí tuệ. Các sàn giao dịch công nghệ hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa khẳng định được vai trò là đầu mối trong việc thu hút, tập hợp công nghệ trong nước và quốc tế.
Thứ trưởng Tùng cũng nhấn mạnh, để đưa sản phẩm khoa học công nghệ gắn trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ cần có một mô hình chuỗi liên kết cụ thể, đi vào chiều sâu, phát huy tối đa vai trò của các nhân tố trong thị trường khoa học công nghệ như các tổ chức Viện trường/tổ chức trung gian/doanh nghiệp KH&CN/Tập đoàn/Doanh nghiệp/Hiệp hội doanh nghiệp.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để tăng cường sự hợp tác giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, cần có sự bắt tay của 3 nhà. Vai trò Nhà nước là định hướng đưa ra cơ chế, hỗ trợ doanh nghiệp; các nhà khoa học phải tạo ra sản phẩm tốt, giàu tính thực tiễn, mang đến sự tăng trưởng cho doanh nghiệp, còn doanh nghiệp có trách nhiệm đưa sản phẩm này vào thị trường.
“Việc đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp là hướng đi quan trọng. Trong việc kết nối phát triển thị trường khoa học, doanh nghiệp phải đóng vai trò trung tâm. Các nhà khoa học là những đối tác và cùng doanh nghiệp cộng sinh trong chuỗi giá trị. Tinh thần doanh nghiệp và cuộc cách mạng 4.0 sẽ là hai động lực chính thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong thời gian tới", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Nhằm thông tin, truyền thông hỗ trợ phát triển thị trường khoa học & công nghệ trên các mạng xã hội tại Việt Nam, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã triển khai Dự án phát triển trang thành viên Sàn Công Nghệ Vui. Các thông tin, cơ chế chính sách mới nhất về Luật Chuyển giao công nghệ 2017; Nghị định 13 về Doanh nghiệp KH&CN; Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 (Chương trình 2075). Thông tin về các nguồn ngân sách hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm KH&CN; Chính sách ưu đãi mới nhất dành cho doanh nghiệp KH&CN; tương tác với quản lý nhà nước về thị trường KH&CN… các tổ chức cá nhân và các nhà khoa học có thể tìm trên Website www.2075.com.vn và Fanpage Facebook Sàn Công Nghệ Vui. |