Hội nghị tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra các lĩnh vực: tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; an toàn bức xạ và hạt nhân; sở hữu trí tuệ; tình hình, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra KH&CN tại địa phương; từng bước hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức, hoạt động thanh tra KH&CN; đồng thời tập huấn các chuyên đề về quy trình tiến hành một cuộc thanh tra và một số vấn đề cần lưu ý đối với thanh tra chuyên ngành; kỹ năng, nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Đối với công tác thanh tra, quan trọng nhất chính là tập trung phòng ngừa rủi ro trong quản lý nhà nước, tuân thủ pháp luật trong thực hiện chức năng nhiệm vụ; qua thanh tra, kiểm tra, rà soát phát hiện những điểm bất cập, hạn chế, những sơ hở trong cơ chế chính sách để kịp thời tham mưu sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật cho phù hợp. Thứ trưởng mong muốn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, đảm bảo duy trì được bộ phận thanh tra tại các Sở KH&CN để tạo ra một hệ thống mạng lưới thanh tra KH&CN đủ mạnh; đồng thời, các Sở KH&CN cần quan tâm, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ thanh tra đảm bảo cả về số lượng và chất lượng góp phần thúc đẩy ngành KH&CN ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Đại diện Thanh tra Bộ KH&CN, bà Nguyễn Như Quỳnh - Chánh Thanh tra chia sẻ: Mặc dù thời gian do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, song theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2022, bên cạnh những hoạt động như giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng … thuộc chức năng của cơ quan thanh tra Bộ đều đạt kết quả tốt thì các Cuộc thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất cũng được Thanh tra Bộ tiến hành đúng quy định.
Chánh Thanh tra Bộ cũng chỉ ra những điểm mới trong Dự thảo Luật Thanh tra lần này quy định rất rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan đối với hoạt động thanh tra, quy định việc yêu cầu phối hợp trong hoạt động thanh tra. Hiện nay, trên thực tế, các cơ quan thanh tra đang đứng trước áp lực về số lượng công chức làm công tác thanh tra ít mà các vi phạm thì ngày càng nhiều, càng tinh vi, phức tạp hơn. Trong khi đó, tại Sở KH&CN ở một số địa phương lại nhập cơ quan thanh tra với các bộ phận khác thuộc Sở dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ.
Điểm mới của Hội nghị tập huấn năm nay: Thanh tra Bộ thiết kế chương trình với phần mở đầu là cuộc tọa đàm, trao đổi, thảo luận giữa Lãnh đạo Bộ với Thủ trưởng các đơn vị có chức năng thanh tra và một số đơn vị có liên quan. Tại đây, các đại biểu được tham gia trao đổi, thảo luận, hỏi, đáp các vấn đề liên quan trực tiếp đến công tác thanh tra tại cơ quan, đơn vị, địa phương; cùng nhau đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra KH&CN và giải pháp duy trì tổ chức thanh tra tại các Sở KH&CN.
Tại Hội nghị, các đại biểu được tập huấn các chuyên đề về “Quy trình tiến hành một cuộc thanh tra và một số vấn đề cần lưu ý đối với thanh tra chuyên ngành” do ông Vũ Hồng Khánh, Tư vấn viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng hợp (Thanh tra Chính phủ) và chuyên đề “Kỹ năng nghiệp vụ xử phạt vi phạm hành chính” do ông Nguyễn Hoàng Việt, Phó Trưởng phòng, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) trình bày.
Qua Hội nghị, các đại biểu đã tiếp thu được nhiều kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về công tác thanh tra như: kỹ năng tiến hành một cuộc thanh tra; kỹ năng xử phạt vi phạm hành chính trong đó chú trọng thẩm quyền, cách thức lập biên bản vi phạm hành chính và quyết định xử phạt vi phạm hành chính đảm bảo đúng các quy định của pháp luật hiện hành; đồng thời tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn qua các tình huống do các địa phương trao đổi, trình bày tại hội nghị.
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành KH&CN lần này đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác ngành thanh tra nói riêng, công tác quản lý nhà nước nói chung./.
Nguyễn Hường – Thanh tra Sở KH&CN