Thứ nhất, việc sử dụng nhãn điện tử giúp tinh gọn về kích thước mà vẫn truyền tải được đầy đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện theo quy định của pháp luật. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những loại hàng hóa có kích thước nhỏ, không đủ thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn.
Thứ hai, nội dung thể hiện thông qua nhãn điện tử có thể cập nhật, bổ sung một cách linh động, dễ dàng. Do không bị hạn chế về lượng thông tin nên có thể chứa đựng nhiều dữ liệu. Nhà sản xuất có thể đưa lên dữ liệu dưới dạng hình ảnh, âm thanh, thậm chí là video để giới thiệu về sản phẩm giúp thu hút sự quan tâm từ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng nhãn điện tử giúp minh bạch thông tin sản phẩm, hàng hóa góp phần nâng cao niềm tin của khách hàng vào sản phẩm đã lựa chọn.
Để thống nhất việc ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử, ngày 30/12/2022 Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 18/2022/TT-BKHCN quy định chi tiết một số nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa của một số nhóm hàng hóa bằng phương thức điện tử, theo đó:
- Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa được lựa chọn ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử hoặc lựa chọn ghi trên nhãn hàng hóa gắn trực tiếp trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc ghi trong tài liệu kèm theo của hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-Cp được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP. Nhóm hàng hóa (gồm 27 nhóm) và nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn bằng phương thức điện tử thực hiện theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm Thông tư này.
- Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa khi thể hiện nội dung ghi nhãn theo phương thức điện tử quy định tại Thông tư này đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Phương thức điện tử được thể hiện rõ đưỡng dẫn trên nhãn hàng hóa, ví dụ: mã số mã vạch, mã QR code, trên màn hình điện tử của sản phẩm có màn hình hoặc các phương thức điện tử thông dụng khác.
+ Bảo đảm phương tiện, thiết bị và/hoặc hướng dẫn khách hàng truy cập nội dung quy định bằng phương tức điện tử của nhãn hàng hóa tại chỗ.
+ Nội dung thể hiện bằng phương thức điện tử phải tương ứng với nội dung thể hiện trên nhãn trực tiếp, không làm người đọc, xem, nghe hiểu sai lệch bản chất của hàng hóa.
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử có trách nhiệm:
+ Thực hiện đúng quy định pháp luật về nhãn hàng hóa và quy định tại Thông tư này.
+ Bảo đảm có đủ công cụ, phương tiện để nội dung ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử luôn được truy cập, đăng nhập ngay, cung cấp đầy đủ nội dung ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử cho người tiêu dùng khi lựa chọn mua hàng hóa.
+ Cung cấp nội dung nhãn thể hiện bằng phương thức điện tử cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra khi có yêu cầu. Trong trường hợp vì lý do khách quan, người chịu trách nhiệm về hàng hóa không cung cấp được nội dung ghi nhãn bằng phương thức điện tử ngay khi có yêu cầu thì trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu phải cung cấp đầy đủ nội dung ghi nhãn thể hiện bằng phương thức điện tử. Nếu thông tin ghi nhãn điện tử không truy cập được, thì nhãn hàng hóa là đối tượng thanh tra, kiểm tra được xác định là nhãn ghi không đủ các nội dung bắt buộc theo quy định.
Việc sử dụng nhãn điện tử đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai áp dụng, đây là thông tin được hiển thị qua phương tiện điện tử kết nối với hàng hóa theo chỉ dẫn cụ thể trên nhãn.
Thông tư 18/2022/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 15/02/2023 góp phần tăng cường hiệu quả cũng như đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong quản lý nhà nước đối với các sản phẩm, hàng hóa./.
Phạm Thu Hồng - Phòng QL TCĐLCL