Một số quy định quản lý mới về Tiêu Chuẩn Đo lường Chất lượng sản phẩm hàng hóa

Facebook   Zalo

Vừa qua Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành một số nghị định, thông tư điều chỉnh các quy định về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và ghi nhãn sản phẩm hàng hóa để tăng cường công tác quản lý phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển hiện nay.

Một số quy định quản lý mới về Tiêu Chuẩn Đo lường Chất lượng sản phẩm hàng hóa

Vừa qua Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành một số nghị định, thông tư điều chỉnh các quy định về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và ghi nhãn sản phẩm hàng hóa để tăng cường công tác quản lý phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển hiện nay.
1. Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đo lường.
Nghị định 13/2022/NĐ-CP đã bổ sung quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, Bộ KH&CN giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; hướng dẫn nâng cao năng lực kỹ thuật cho hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và hỗ trợ phát triển sản phẩm, hàng hóa chủ lực, phát triển kinh tế - xã hội của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương; quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và vật mang dữ liệu; quản lý tổ chức triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý. Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý tổ chức triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực tổ chức triển khai thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại địa phương.
Căn cứ nhu cầu quản lý, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực xác định sản phẩm, hàng hóa phải thực hiện truy xuất nguồn gốc và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
Ngoài ra, Nghị định số 13/2022/NĐ-CP còn bãi bỏ, thay thế một số điều, một số biểu mẫu của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP.
2. Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa. 

Một số quy địn quản lý mới về Tiêu Chuẩn Đo lường Chất lượng sản phẩm hàng hóa -0

Về một số điểm mới nổi bật của Nghị định 111/2021/NĐ-CP: 
- Bổ sung quy định quản lý việc gắn nhãn, mác hàng hóa xuất khẩu. Như vậy, so với quy định trước đây, Nghị định 111/2021/NĐ-CP đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung thêm “hàng hóa xuất khẩu” theo đó bổ sung đối tượng áp dụng là “tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa”.
- Chỉnh sửa, bổ sung các quy định về thông tin bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa:
Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định rõ ràng hơn về những thông tin bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa đối với nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam và nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, nhãn của hàng hóa xuất khẩu, từ đó dễ dàng phân biệt hàng hóa lưu thông trong nước, hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu để phục vụ công tác quản lý. 
Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam: nhãn gốc bắt buộc phải thể hiện các nội dung về “Tên hàng hóa”, “Xuất xứ hàng hóa”, “Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài” bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan.
Đối với hàng hóa xuất khẩu: việc ghi nhãn hàng hóa tuân thủ theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu.
Sửa đổi, bổ sung quy định về xuất xứ hàng hóa nhằm kiểm soát và hạn chế tình trạng gian lận thương mại. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. 
Đặc biệt, Nghị định 111/2021/NĐ-CP bổ sung quy định về trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Đây là quy định hoàn toàn mới và giúp các doanh nghiệp gỡ được nhiều vướng mắc trong việc ghi nhãn hàng hóa khi hàng hóa ngày càng được gia công, sản xuất tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới.
Nghị định 111/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/2/2022, góp phần hoàn thiện khung pháp lý về nhãn hàng hóa, tương thích với pháp luật các quốc gia khác trên thế giới và các hiệp định về thương mại mà Việt Nam là thành viên. 
3. Thông tư số 11/2021/TT-BKHCN ngày 18/11/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.
Thông tư quy định chi tiết việc lập kế hoạch, xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia; áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài; xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở.

Một số quy địn quản lý mới về Tiêu Chuẩn Đo lường Chất lượng sản phẩm hàng hóa -0 

Theo đó, Thông tư số 11/2021/TT-BKHCN quy định về các nguyên tắc, phương thức và biện pháp áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài:
- Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài được cơ quan, tổ chức, cá nhân tự nguyện áp dụng.
- Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài không trái với quy định pháp luật, không làm tổn hại tới an ninh, quốc phòng, lợi ích kinh tế - xã hội và các lợi ích khác của quốc gia.
- Khuyến khích áp dụng phiên bản mới nhất của tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài.
- Bảo đảm việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài liên quan quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc trong các thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương giữa tổ chức của Việt Nam với tổ chức nước ngoài theo quy định pháp luật.
Các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài được áp dụng trực tiếp trong quá trình sản xuất - kinh doanh, cung cấp dịch vụ, giao dịch mua bán và các hoạt động kinh tế - xã hội khác. Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn nước ngoài gián tiếp thông qua thực hiện quy định trong các tài liệu kỹ thuật, quy định pháp luật (văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật...) mà nội dung có viện dẫn toàn bộ hoặc một phần tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn nước ngoài.
Thông tư cũng hướng dẫn chi tiết việc xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở (là tiêu chuẩn do tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công bố để áp dụng cho các hoạt động trong phạm vi của tổ chức đó) làm căn cứ để công bố tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa do cơ sở sản xuất, nhập khẩu trước khi cung ứng ra thị trường. 
Thông tư số 11/2021/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/01/2022./.
 

Trịnh Thị Hải phòng QL TC-ĐL-CL

Facebook Zalo