Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ KH&CN; PGS.TS Hoàng Minh, Giám đốc Học viện KHCN&ĐMST; cùng đại diện các Vụ và 63 Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trên cả nước. Dự Hội thảo tại điểm cầu Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Đinh Bộ Sơn, Phó Giám đốc Sở KH&CN; đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan: Sở Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Giáo dục và Đào tạo; Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tư pháp; Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Thái Nguyên; Cục Thống kê; Ban quản lý các Khu Công nghiệp Thái Nguyên cùng đại diện các phòng chuyên môn thuộc Sở KH&CN.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang thông tin: Năm 2022, Bộ KH&CN đã tích cực phối hợp với Tổ chức WIPO và các cơ quan liên quan triển khai xây dựng Bộ chỉ số và tổ chức triển khai thử nghiệm tại 20 tỉnh/thành phố. Năm 2023, tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2023 (Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2022), Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ “chính thức triển khai Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023”. Khung chỉ số PII được xây dựng mang tính tương đồng hơn để phù hợp điều kiện, tiềm lực địa phương.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu khái quát về Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương. Theo đó, Bộ chỉ số ĐMST địa phương được xây dựng nhằm cung cấp bức tranh thực tế về hệ thống ĐMST địa phương gồm: các tác nhân, mạng lưới tương tác, môi trường thể chế,…phản ánh tính chất, mức độ, kết quả hoạt động ĐMST tại địa phương. Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII) được xây dựng nhằm xác định hiện trạng mô hình phát triển KT-XH dựa trên KHCN&ĐMST, qua đó cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho phát KT-XH của từng địa phương. Bên cạnh đó, các chuyên gia của Học viện KHCN và ĐMST còn hướng dẫn cung cấp dữ liệu và hồ sơ minh chứng phục vụ tính toán chỉ số ĐMST cấp địa phương năm 2023. Trên cơ sở kết quả thử nghiệm năm 2022, khung Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương năm 2023 đã được nghiên cứu rà soát, tinh chỉnh về số lượng, nội hàm, nguồn dữ liệu. Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương năm 2023 bao gồm 7 trụ cột theo nguyên lý của bộ chỉ số GII với 05 trụ cột đầu vào và 02 trụ cột đầu ra với 51 chỉ số (5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN&ĐMST, bao gồm (1) Thể chế, (2) Nguồn nhân lực và nghiên cứu, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Trình độ phát triển của thị trường và (5) Trình độ phát triển kinh doanh; 2 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của KHCN và ĐMST vào phát triển kinh tế - xã hội gồm: (6) Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, (7) Tác động).
Ngoài ra, đại diện các địa phương, đơn vị tham gia thử nghiệm năm 2022 đã trao đổi, thảo luận chia sẻ kinh nghiệm giữa các tỉnh, thành phố trong việc thu thập dữ liệu, lựa chọn các nguồn dữ liệu để có được dữ liệu chính thức, cập nhật, phản ánh được kết quả hoạt động và đóng góp của KHCN&ĐMST vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, đề xuất với Bộ KH&CN tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn tại địa phương; xây dựng các nhóm chuyên gia theo từng lĩnh vực để thiết kế các chỉ số phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính khả thi trong thu thập dữ liệu và phục vụ tính toán, xếp hạng; bố trí nguồn lực, tổ chức cung cấp dữ liệu kịp thời, chính xác để phục vụ tính toán, cũng như sử dụng các kết quả đánh giá vào công tác, chỉ đạo điều hành tại địa phương, góp phần nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo của các địa phương và của quốc gia.
Phát biểu thảo luận tại Hội thảo, đồng chí Đinh Bộ Sơn, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Thái Nguyên là 1 trong 20 tỉnh/thành phố được Bộ KH&CN lựa chọn tham gia triển khai xây dựng, thử nghiệm Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) trong năm 2022. Theo đó, Sở KH&CN đã tham mưu với UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo đến các đơn vị liên quan về việc phối hợp triển khai xây dựng, thử nghiệm Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; chú trọng công tác đào tạo, tập huấn cho các đơn vị thực hiện việc thu thập dữ liệu phục vụ xây dựng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) cho địa phương mình. Bên cạnh đó, đồng chí cũng nêu lên một số khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai một số chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương tại Thái Nguyên trong năm 2022.
Cũng trong buổi Hội thảo, đại diện Học viện KHCN&ĐMST đã cung cấp thông tin, giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai của các địa phương. PII được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu để mỗi tỉnh/thành phố xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN&ĐMST./.
Dương Chiêm, Thế Bằng