Xây dựng mô hình sản xuất giống lúa pc6 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Facebook   Zalo

Giống lúa PC6 có thời gian sinh trưởng 90-95 ngày, chất lượng gạo cao, đã được trồng thử nghiệm tại một số địa phương tại đồng bằng sông Hồng, Bắc trung bộ cho năng suất ổn định trong vụ xuân 60-68 tạ/ha, vụ mùa hoặc hè thu là 55-65 tạ/ha.

Qua đánh giá trên đồng ruộng cho thấy giống PC6 sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khoẻ, bộ lá đứng và cứng có màu xanh sáng, trổ nhanh, tập trung; chiều cao của giống PC6 thuộc dạng trung bình, chịu rét tốt hơn so với một số giống khác trên cùng diện tích, kháng sâu bệnh khá, thời gian sinh trưởng từ 120-125 ngày thích hợp với trà xuân trung, xuân muộn và vụ hè thu.

                Đối với tỉnh Thái Nguyên, diện tích đất gieo trồng lúa năm 2009 có khoảng 67.300 ha. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn Thái Nguyên diện tích lúa được gieo trồng bằng hai giống chủ lực là Khang Dân và Q5. Sở dĩ 2 giống này chiếm được tỷ trọng lớn như vậy vì tính thích ứng của chúng rộng, năng suất ổn định. Nhưng 2 giống này cũng có nhiều nhược điểm như: chất lượng gạo kém, hàm lượng amyloza cao (>23%), chất lượng thương phẩm kém. Hơn nưa 2 giống này có khả năng chống chịu sâu bệnh kém (nhiễm đạo ôn và rầy nâu nặng), thời gian sinh trưởng vẫn còn hơi dài chưa thể đáp ứng được  cơ cấu 3-4 vụ/năm một cách bền vững. Vì vậy, cần phải có những giống lúa ngắn ngày hơn, chất lượng cao hơn để thay thế dần 2 giống trên. Để tránh những thiệt hại có thể xảy ra, đồng thời làm tăng tính đa dạng của bộ giống lúa ngắn ngày thì việc đưa vào sử dụng những giống lúa cực ngắn như PC6 tại Thái Nguyên nói riêng và cho vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung phục vụ cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người dân là rất cần thiết.

             Trước thực tế đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt cho triển khai Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống lúa PC6 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” tại Quyết định số: 608/QĐ-UBND ngày 23/03/2010. Thời gian thực hiện dự án là 12 tháng, từ tháng 3/2010 đến tháng 3/2011.

             Dự án nhằm mục tiêu xây dựng được mô hình sản xuất giống lúa PC6 quy mô 40 ha, ngắn ngày, chất lượng, năng suất cao hơn đối chứng 10% , tại các vùng có cơ cấu 2-3 vụ/năm phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nhằm nâng cao nhận thức của người nông dân về kỹ thuật thâm canh giống lúa mới. Mục tiêu nhân rộng kết quả ứng dụnglà: phát triển rộng giống lúa PC6 tại các vùng có khả năng chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành 3 vụ/năm. Thông qua tập huấn sẽ chuyển giao kỹ thuật tham canh giống mới cho người nông dân.

             Dựa trên phương pháp điều tra nhanh nông thôn (PRA), nội dung dự án tập trung điều tra cơ cấu luân canh, cơ cấu giống lúa tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên ở 2 huyện của tỉnh (Phú Bình, Phổ Yên), mỗi huyện điều tra 4 xã và mỗi xã điều tra 20 hộ nông dân. Dự kiến kết quả đạt được là báo cáo tổng kết về cơ cấu luân canh và thời vụ, phương thức gieo cấy chính trên địa bàn tỉnh.

             Nội dung chủ yếu của dự án sẽ nghiên cứu hoàn thiện quy trình thâm canh và phát triển giống lúa ngắn ngày PC6; xây dựng mô hình canh tác giống lúa mới PC6 phù hợp với cơ cấu luân canh 3 vụ/năm và hoàn thiện quy trình thâm canh giống lúa ngắn ngày PC6 phù hợp với điều kiện tỉnh Thái Nguyên.

             Sản phẩm của dự án sẽ là báo cáo kết quả dự án, quy trình kỹ thuật canh tác giống lúa PC6 tại Thái Nguyên và mô hình sản xuất giống lúa mới PC6 với quy mô 45 ha và 300 lượt người được tập huấn về kỹ thuật canh tác giống lúa mới.

             Dự án được đánh giá sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực, cụ thể là:

             - Hiệu quả kinh tế xã hội trực tiếp của dự án:

             + Mô hình giống mới 45 ha sẽ là tiền đề cho việc ứng dụng thêm 1 giống lúa mới chất lượng cao trên diện tích rộng hơn, làm phong phú thêm bộ giống lúa ngắn ngày của tỉnh và là cơ hội cho việc làm vụ đông chuyển từ 1-2 vụ lên 3 vụ/năm. Nếu làm thêm vụ đông sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế cao hơn so với cấy lúa đơn thuần.

             + Đào tạo được khoảng 300 nông dân có khả năng sản xuất thâm canh lúa với việc ứng dụng IPM, ICM…

             - Hiệu quả khi mở rộng khả năng ứng dụng: Sau khi thu hoạch, diện tích này sẽ được trồng cây vụ đông, sẽ tạo thêm hàng trăm chỗ làm cho nông dân, tạo thêm sản phẩm hàng hoá cho xã hội và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, đặc biệt là các cây vụ đông sớm như: đậu tương đông, ngô, cây hạt vàng… là những sản phẩm tiềm năng cho công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi mà nước ta đang phải nhập khẩu.

             - Các hiệu quả khác :

             Sự thành công của dự án sẽ là tiền đề cho việc cải thiện chất lượng ăn uống cho toàn xã hội, sản phẩm gạo chất lượng cao sẽ có thể cung cấp cho các gia đình trung lưu hoặc siêu thị với giá cao hơn gạo hiện tại đang có trên thị trường tỉnh và là gạo xuất khẩu ra nước ngoài.

             Ngoài ra, do tiết kiệm thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nước tưới mà vùng dự án sẽ giảm thiểu được nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

             Sự thành công của dự án còn là tiền đề cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế của toàn tỉnh sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và dân trí.

             Có thể nói, việc triển khai dự án: "Xây dựng mô hình giống lúa mới  ngắn ngày, chất lượng cao PC6  tại Thái Nguyên” là việc làm tất yếu trong thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá tại Thái Nguyên. Sự thành công của dự án là chắc chắn và nó sẽ mang lại lợi ích dây chuyền cho toàn xã hội. Ngoài việc thúc đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, dự án sẽ đào tạo và nâng cao dân trí cho hàng trăm nông dân, tạo thêm công ăn việc làm cho hàng ngàn người khác. Sự thành công của dự án còn góp phần đắc lực vào việc khai thác hiệu quả tài nguyên đất và con người và góp phần bảo vệ môi trường đang ngày càng bị ô nhiễm./.

Facebook Zalo

Văn bản pháp quy

Bản tin KH&CN số 01/2024

Thống kê truy cập

Đang online : 0

Trong tuần : 0

Trong tháng : 0

Tất cả : 0