Nghiêm thu đề tài điện châm kết hợp bài thuốc “Trúng phong ẩm” và dự án phát triển giống gà H’ Mông tại Thái Nguyên

Facebook   Zalo

Chiều ngày 16/5/2012, tại Sở KH&CN, Hội đồng KHCN tỉnh tổ chức nghiệm thu 02 đề tài, dự án là: Đề tài “Bước đầu đánh giá tác dụng lâm sàng của điện châm kết hợp bài thuốc “Trúng phong ẩm” trên bệnh nhân nhồi máu não sau giai đoạn cấp” và Dự án “Phát triển giống gà H’Mông tại các vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng, huyện Võ Nhai”. TS. Nguyễn Văn Vỵ - Giám đốc Sở KH&CN, Chủ trì tịch Hội đồng chủ trì hội nghị.

Nghiêm thu đề tài điện châm kết hợp bài thuốc “Trúng phong ẩm” và dự án phát triển giống gà H’ Mông tại Thái Nguyên

 

Đề tài “Bước đầu đánh giá tác dụng lâm sàng của điện châm kết hợp bài thuốc “Trúng phong ẩm” trên bệnh nhân nhồi máu não sau giai đoạn cấp” do Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Thái Nguyên thực hiện, ThS Nguyễn Thị Thủy làm chủ nhiệm đề tài, thời gian thực hiện từ 01/2011 đến tháng 3/2012.

            Đề tài tập trung nghiên cứu 30 bệnh nhân được chẩn đoán là tai biến mạch máu não, nguyên nhân do nhồi máu não đã được điều trị qua giai đoạn cấp. Phương pháp điều trị bằng điện châm và uống thuốc “Trúng phong ẩm”, xoa bóp và tập vận động theo các bài tập phục hồi chức năng vận động ½ người bên liệt. Thực hiện đánh giá kết quả điều trị trên lâm sàng, cận lâm sàng.

            Kết quả nghiên cứu cụ thể: Hiệu quả phục hồi liệt vận động cho bệnh nhân nhồi máu não sau giai đoạn cấp cải thiện độ liệt Henry đạt 100%, số bệnh nhân có sự chuyển dịch tốt từ 2 – 3 độ liệt chiếm tỷ lệ cao 56,7%. Điểm trung bình Barthel sau điều trị tăng rõ rệt so với trước điều trị, từ 24,20 lên 72,12 (sự khác biệt có ý nghĩa thống kê p < 0,001). Các bệnh nhân ở lứa tuổi dưới 60 phục hồi tốt hơn những bệnh nhân trên 60 tuổi. Bệnh nhân ở thể “Trúng phong kinh lạc” có xu hướng phục hồi tốt hơn ở thể “Trúng phong tạng phủ”. Qua nghiên cứu cũng chưa nhận thấy các tác dụng phụ không mong muốn của phương pháp nghiên cứu áp dụng trong đề tài. Đề tài được hội đồng đánh giá nghiệm thu xếp loại Xuất sắc.

Dự án “Phát triển giống gà H’Mông tại các vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng, huyện Võ Nhai” do Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên thực hiện, Chủ nhiệm dự án là ông Nguyễn Văn Thông – Phó chi cục trưởng.

Dự án thực hiện tại các xã Thượng Nung, Cúc Đường, Lâu Thượng và Phú Thượng huyện Võ Nhai tỉnh Thái Nguyên. Xây dựng 4 mô hình nuôi gà sinh sản quy mô 90 con/hộ và 8 mô hình nuôi gà thương phẩm quy mô 150 con/hộ, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Gà giống của dự án nhập từ Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn vật nuôi – Viện Chăn nuôi. Dự án chuyển giao một máy ấp trứng công suất 1.200 quả/mẻ để sản xuất giống cung cấp cho nhu cầu cho người dân địa phương.

Sau 24 tháng triển khai (từ tháng 3/2010 đến tháng 3/2012), dự án đã thực hiện được các nội dung đề ra. Số lượng gà nuôi sống đạt tỷ lệ trên 90%, gà sinh trưởng phát triển tương đối tốt, đạt từ 1,2 – 1,5 kg (giai đoạn 100 ngày tuổi), hệ số thức ăn bình quân 3,1kg thức ăn/ kg tăng trọng (phù hợp với quy trình của Viện Chăn nuôi 2,9 – 3,2). Mỗi mô hình chăn nuôi gà sinh sản và thương phẩm quy mô 90 – 150 con có thể cho lợi nhuận từ 10 – 20 triệu đồng/năm.

Dự án đã giúp người chăn nuôi, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận với việc đầu tư vốn và khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững, qua đó hạn chế tác động vào rừng của người dân vùng đệm Khu bảo tồn.

            Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng đề nghị Ban chủ nhiệm làm rõ nội dung hoàn thiện quy trình phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh Thái Nguyên và tính toán đầy đủ hiệu quả kinh tế của mô hình. Dự án được Hội đồng KHCN tỉnh đánh giá xếp loại Khá.
Facebook Zalo

Văn bản pháp quy

Bản tin KH&CN số 01/2024

Thống kê truy cập

Đang online : 0

Trong tuần : 0

Trong tháng : 0

Tất cả : 0