Hội thảo khoa học “Đánh giá hoạt động KH&CN trên địa bàn huyện Đại Từ năm 2011-2012 và phương hướng năm 2013”

Facebook   Zalo

Ngày 7/11/2012, Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ đã tổ chức Hội thảo khoa học Đánh giá hoạt động KH&CN trên địa bàn huyện Đại Từ năm 2011-2012 và phương hướng năm 2013 tại hội trường UBND huyện Đại Từ. Ông Trương Mạnh Kiểm – Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có bà Triệu Thị Minh Hồng - Phó Giám đốc Sở KH&CN; lãnh đạo UBND huyện Đại Từ, phòng Quản lý KH&CN cơ sở; lãnh đạo UBND các xã, thị trấn, các phòng, đơn vị chuyên môn của Uỷ ban nhân dân huyện Đại Từ.

Ông Trương Mạnh Kiểm – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ chủ trì hội nghị

Hội nghị đã nghe báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động KH&CN trên địa bàn huyện Đại Từ năm 2011-2012. Công tác quản lý nhà nước về KH&CN đã có nhiều chuyển biến trong việc ổn định tổ chức quản lý KH&CN ở huyện, công tác phối hợp thanh tra kiểm tra về đo lường chất lượng, nhãn hiệu hàng hoá, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; đã thành lập và kiện toàn Hội đồng KH&CN cấp huyện để tư vấn giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện về phương hướng, nhiệm vụ phát triển KH&CN trên địa bàn huyện. Đối với hoạt động ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong hai năm 2011 và 2012 đã có 16 dự án, mô hình được chuyển giao trên địa bàn huyện với tổng kinh phí là 9,3 tỷ đồng. Thông qua các chương trình KH&CN đã hỗ trợ và đào tạo, chuyển giao cho nông dân các quy trình kỹ thuật, công nghệ chăn nuôi, thu hoạch, bảo quản, chế biến, cho năng suất cao; chương trình sản xuất rau và thực phẩm an toàn, vệ sinh... Việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất đã thu hút được sự quan tâm của nông dân, đem lại hiệu quả và năng suất cao trong trồng trọt và chăn nuôi, cải thiện môi trường.

 Những kết quả đạt được đã góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trương Mạnh Kiểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ thì đội ngũ cán bộ phụ trách KH&CN cấp cơ sở có trình độ hiện vẫn thiếu, các xã, thị trấn còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa huyện và cơ sở trong giải quyết thực hiện nhiệm vụ KH&CN; việc chỉ đạo triển khai các cơ chế chính sách đã ban hành tới cơ sở còn chậm và chưa quyết liệt. Trong công tác quản lý các lĩnh vực như an toàn bức xạ (với nhiều bệnh viện, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có trang thiết bị liên quan đến nguồn phóng xạ), quản lý sở hữu trí tuệ (quy định về nhãn hiệu hàng hóa trên địa bàn), quản lý đo lường chất lượng (phối hợp với các cơ quan, ban, ngành quy định chất lượng hàng hóa sản xuất và xuất khẩu trên địa bàn; phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng) còn hạn chế, chưa thường xuyên để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, sở hữu công nghiệp trên địa bàn huyện. Nhìn chung hoạt động quản lý KH&CN huyện Đại Từ vẫn ch­ưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn huyện ch­ưa cao.

Báo cáo tham luận của các phòng, đơn vị và những ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự hội nghị đều tập trung đánh giá và thống nhất các giải pháp, tháo gỡ các vướng mắc trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ KH&CN giữa Sở KH&CN và UBND huyện Đại Từ để đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuậtphục vụ cho phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người nông dân. Để khắc phục các hạn chế trên và nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực KH&CN trên địa bàn huyện, trong thời gian tới, UBND huyện tập trung vào những nôi dung sau:

- Củng cố về mặt tổ chức quản lý KH&CN ở huyện, bố trí cán bộ chuyên trách quản lý KH&CN huyện. Tăng c­ường hoạt động của Hội đồng KH&CN huyện với vai trò là tổ chức tư vấn của Chủ tịch UBND huyện về các vấn đề phát triển KH&CN, về các biện pháp thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống trên địa bàn huyện. Tổ chức tốt hoạt động của các Hội đồng tư vấn KH&CN (Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN hàng năm; Hội đồng tư vấn tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN; Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN).

- Xây dựng kế hoạch hoạt động KH&CN phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội, phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong từng thời kỳ. Nội dung kế hoạch tập trung vào ứng dụng các kết quả nghiên cứu, kỹ thuật tiến bộ đã được khẳng định là có hiệu quả trong sản xuất (các giống cây/con, các mô hình sản xuất, các quy trình kỹ thuật tiên tiến, các công nghệ chế biến nông - lâm sản phù hợp); tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ phụ trách lĩnh vực KH&CN, đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân trên địa bàn huyện. Đối với công tác quản lý đo lường và chất lượng hàng hoá, cần có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức các đợt kiểm định phương tiện đo với các đợt thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

- Tiếp tục triển khai các dự án, mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống để tạo ra sản phẩm hàng hóa, phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương. Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất.

- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật về quản lý KH&CN trong khu vực nông - lâm - ngư­ nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn; tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của KH&CN trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn./.

Facebook Zalo

Văn bản pháp quy

Bản tin KH&CN số 01/2024

Thống kê truy cập

Đang online : 0

Trong tuần : 0

Trong tháng : 0

Tất cả : 0