Từ 09 - 11/11 tại Thái Nguyên sẽ diễn ra sự kiện “Ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ” năm 2016

Facebook   Zalo

Từ ngày 09-11/11, tại Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên sẽ diễn ra sự kiện khoa học và công nghệ (KH&CN)“Ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ” do Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban chỉ đạo Tây Bắc và UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp tổ chức với chủ đề “Kết nối ứng dụng, đổi mới, phát triển công nghệ - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững” với sự tham gia của trên 1000 đại biểu.

Từ 09 - 11/11 tại Thái Nguyên sẽ diễn ra sự kiện “Ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ” năm 2016


Hoạt động kết nối cung - cầu thu hút nhiều doanh nghiệp và nhà khoa học tham gia

Tại sự kiện sẽ trình diễn, giới thiệu hơn 400 công nghệ/ thiết bị/ kết quả nghiên cứu (CN/TB/KQNC) được bố trí thành 05 khu chức năng với 116 gian trình diễn, trong đó 70 CN/TB/KQNC thuộc lĩnh vực chế biến thực phẩm, đồ uống, 63 CN/TB/KQNC thuộc lĩnh vực Nông nghiệp, 40 CN/TB/KQNC thuộc lĩnh vực môi trường và năng lượng… trong đó có 19 gian trình diễn của các tổ chức nước ngoài giới thiệu công nghệ mới. Bên cạnh hoạt động tư vấn kết nối tài chính công nghệ với sự tham gia của các quỹ đầu tư tài chính, quỹ về KH&CN và các chương trình hỗ trợ doanh nghệp, tại sự kiện cũng sẽ diễn ra hoạt động tư vấn kỹ thuật, cải tiến công nghệ cho các doanh nghiệp có nhu cầu với 160 lượt tư vấn thực hiện bởi trên 80 chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước.

Lần đầu tiên trong các kỳ tổ chức hoạt động trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ sẽ ra mắt hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn cung, nguồn cầu, chuyên gia công nghệ và doanh nghiệp sản xuất (với gần 1000 nguồn cung, trên 200 chuyên gia công nghệ và 10.000 doanh nghiệp) sẵn sàng kết nối online để cung cấp thông tin trực tiếp cho các doanh nghiệp, viện trường, tổ chức KH&CN. Diễn đàn quốc tế kết nối xúc tiến hợp tác, đầu tư và chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài cũng lần đầu tiên được tổ chức nhằm tạo môi trường, cơ hội kết nối đầu tư, hợp tác chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ xanh, công nghệ sạch giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Có 18 tổ chức nước ngoài tham dự diễn đàn đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan.

Điểm nhấn chính trong các hoạt động của sự kiện là hoạt động “Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ năm 2016” (TechDemo) diễn ra tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thành phố Thái Nguyên. TechDemo là hoạt động KH&CN thường niên của Bộ KH&CN bắt đầu từ năm 2011. TechDemo được tổ chức lần này là một trong những nỗ lực đổi mới có định hướng của Bộ KH&CN trong việc triển khai Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 33/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp và các tổ chức KH&CN trong cả nước, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp tại địa phương, tạo điều kiện cho các nhà khoa học ứng dụng kết quả của mình vào sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Thông qua chủ động nghiên cứu các mô hình tổ chức hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ tương tự của một số nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhằm chọn lọc các nội dung phù hợp để xây dựng mô hình tổ chức hoạt động kết nối cung - cầu phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam, TechDemo 2016 đã đổi mới căn bản từ nội dung đến cách thức tổ chức triển khai thực hiện với các nội dung mới, nổi bật như: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cung, cầu công nghệ, chuyên gia công nghệ, kết nối cung – cầu công nghệ online tại sự kiện; Hoạt động tư vấn kỹ thuật, cải tiến công nghệ; Kết nối tài chính và công nghệ; Tổ chức Diễn đàn quốc tế kết nối xúc tiến hợp tác, đầu tư và chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài; Trình diễn công nghệ.

Một trong những điểm khác biệt là TechDemo 2016 được tổ chức trên cơ sở kết quả chuỗi các hoạt động như: điều tra, khảo sát, xác định cụ thể về nhu cầu và nguồn cung công nghệ để tổng hợp cơ sở dữ liệu và tiến hành tổ chức hoạt động tư vấn kỹ thuật, giới thiệu công nghệ, kết quả nghiên cứu mới, hỗ trợ kết nối cung - cầu công nghệ theo nhu cầu thực của doanh nghiệp, hướng tới đối tượng chính là các doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Trước và trong khi diễn ra sự kiện TechDemo, một chuỗi các hoạt động từ điều tra, khảo sát, tìm kiếm, xác định nhu cầu, nguồn cung công nghệ; đến tiến hành các hoạt động (hội thảo, tọa đàm, B2B matching) nhằm xúc tiến, tư vấn, giới thiệu và kết nối cung - cầu công nghệ được thực hiện và trọng tâm chính là hoạt động trình diễn công nghệ tại khu vực trưng bày, giới thiệu. TechDemo 2016 tập trung vào các lĩnh vực: Cơ khí chế tạo nông nghiệp, công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm chủ lực của địa phương; công nghệ xử lý môi trường; công nghệ xử lý rác thải, nước thải nông thôn; các công nghệ mới trong và ngoài nước,… Các công nghệ, thiết bị, kết quản nghiên cứu tham gia trình diễn tại TechDemo phải đáp ứng một trong các tiêu chí: Là sản phẩm từ kết quả nghiên cứu của các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp trong và ngoài nước… đã được thử nghiệm, kiểm nghiệm, ứng dụng thành công; đã hoàn thiện, sẵn sàng để chuyển giao; đảm bảo chất lượng, giá thành rẻ hơn so với ngoại nhập; đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; nếu là công nghệ của nước ngoài thì phải có chất lượng cao, giá thành hợp lý, phù hợp nhu cầu trong nước. Dự kiến có khoảng 70 đơn vị tham gia trình diễn, giới thiệu khoảng 400 công nghệ, thiết bị, kết quả nghiên cứu tại TechDemo 2016 tại Thái Nguyên.

Trong khuôn khổ sự kiện cũng sẽ diễn ra Hội nghị về hoạt động của các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN năm 2016. Hội nghị tập trung giải quyết các vấn đề thực tiễn hoạt động trong giai đoạn mới để nâng cao năng lực ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho các Trung tâm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, bao gồm: Trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các Trung tâm; Vị trí, vai trò của Trung tâm trong hoạt động tiếp nhận, đánh giá, lựa chọn và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo đặc thù của địa phương, phục vụ đời sống dân sinh, không vì mục tiêu lợi nhuận. Đồng thời, đề xuất các giải pháp để phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm thông qua việc hình thành các nhiệm vụ liên kết để phát triển các sản phẩm chủ lực tại 6 vùng; Giải pháp nâng cao năng lực, tiềm lực của Trung tâm trong giai đoạn mới để đáp ứng được yêu cầu trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và tăng cường chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; Đánh giá kết quả thực hiện Đề án 317 giai đoạn 2011-2015, giải pháp thực hiện đến 2020. Các đại biểu tham dự cũng sẽ tập trung thảo luận về các cơ chế chính sách có liên quan đến cơ cấu hoạt động của Trung tâm và hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ để có thông tin phục vụ việc điều chỉnh, bổ sung các văn bản hiện hành.

Nhằm thúc đẩy hoạt động liên kết vùng, xác định và phát triển các sản phẩm chủ lực của các vùng gắn với hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ của các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, năm 2016, trong khuôn khổ sự kiện, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ sẽ tổ chức 03 Tọa đàm về liên kết ứng dụng và phát triển các sản phẩm chủ lực của các vùng theo chuỗi giá trị đối với 3 vùng: Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ. Đây là một hoạt động mới nhằm đánh giá, xác định và lựa chọn được một số sản phẩm có khả năng liên kết để phát triển theo chuỗi giá trị tại 03 vùng; từ đó hình thành nhiệm vụ chung cho các Trung tâm tập trung nghiên cứu phối hợp triển khai thực hiện thông qua nhiệm vụ KH&CN quốc gia.

Facebook Zalo

Văn bản pháp quy

Bản tin KH&CN số 01/2024

Thống kê truy cập

Đang online : 0

Trong tuần : 0

Trong tháng : 0

Tất cả : 0