Tọa đàm trực tuyến: “Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ”

Facebook   Zalo

Qua gần bốn năm triển khai, Chương trình hợp tác nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ giữa UBND tỉnh Thái Nguyên với Đại học Thái Nguyên, nhiều ứng dụng khoa học công nghệ đã đạt được kết quả khả quan, góp phần phổ biến các tiến bộ kỹ thuật; tập huấn, chuyển giao khoa học - công nghệ (KH-CN) mới đến người dân.

Tọa đàm trực tuyến: “Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ”

MC Trần Nhung: Thưa quý vị và các bạn, hợp tác nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là xu hướng tất yếu trên thế giới. Ở đó, nhà khoa học có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu các lĩnh vực, chuyên ngành thế mạnh. Đơn vị hợp tác chuyển giao thì được đặt hàng theo nhu cầu thực tế của mình. Kết quả cuối cùng là đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng và phát huy hiệu quả về kinh tế - xã hội. Nhận thấy rõ điều này, từ năm 2016, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký kết Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ KHCN với Đại học Thái Nguyên (ĐHTN). Đây cũng là nội dung chính trong Chương trình Tọa đàm trực tuyến do Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên thực hiện hôm nay. Chúng tôi trân trọng giới thiệu các vị khách mời:

GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên;

Tiến sỹ Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Thái Nguyên;

PGS. TS Phạm Thế Chính, Trưởng Khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên).


MC Trần Nhung: Xin chân thành cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình tọa đàm trực tuyến. Câu hỏi đầu tiên xin gửi đến GS.TS Phạm Hồng Quang: Nội dung nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ có vai trò như thế nào trong chiến lược phát triển của ĐHTN, thưa ông? 

GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học TN: Đối với trường Đại học có 03 chức năng rất quan trọng: chức năng giảng dạy, chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và chức năng tư vấn chính sách.

Nhiệm vụ chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học với các tỉnh với các địa phương trong đó có tỉnh Thái Nguyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đại học Thái Nguyên là Đại học đa ngành, chúng tôi có 07 trường Đại học, một trường Cao đằng và 02 khoa trực thuộc, một phân hiệu Đại học trực thuộc tại Lào Cai

Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, việc nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là hết sức quan trọng: Đầu tiên giúp cho Đại học Thái Nguyên nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, chỉ thông qua giảng dạy kết hợp với nghiên cứu khoa học thì chất lượng đào tạo mới được nâng lên;lợi thế thứ 2 là khi chuyển giao khoa học công nghệ thì các thầy biến ý tưởng thành hành động, biến sản phẩm, ý tưởng thành công cụ để tác động vào sự phát triển kinh tế - xã hội mà cụ thể là những sản phẩm chuyển giao ở tất cả các lĩnh vực; thứ ba là đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đối với Đại học Thái Nguyên, trong những năm qua được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh đã đặc biệt coi trọng chương trình chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, bước đầu đạt hiệu quả, có sự đầu tư lớn của một số doanhg nghiệp, đây là một môi trường rất tốt để cho các nhà khoa học tại Thái Nguyên trưởng thành. Hiện nay chúng tôi có 800 giáo sư, phó giáo sư, Tiến sĩ ở tất cả các lĩnh vực, tất cả các chuyên ngành. Nhờ vào hợp tác với các tỉnh, các nhà khoa học trên địa bàn tỉnh đã có môi trường thể hiện ý tưởng của mình, thể hiện được sự say mê nghiên cứu và đặc biệt là cũng có một số chương trình được chuyển giao vào thực tiễn có hiệu quả rất tốt. Trong quá trình này, sinh viên chúng tôi được đi theo, được học và được làm, có tư duy của nhà khoa học để giải quyết những vấn đề về học tập.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐHTN và các đại biểu thăm khu trưng bày sản phẩm KHCN của ĐHTN

MC Trần Nhung: Là địa phương có tốc độ phát triển nhanh và năng động, việc Đại học Thái Nguyên đóng chân trên địa bàn được coi là lợi thế cả về nguồn nhân lực lẫn nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, vậy tỉnh Thái Nguyên đã khai thác lợi thế này như thế nào, thưa ông Phạm Quốc Chính?

TS Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KHCN: Tỉnh Thái Nguyên có lợi thế là có Đại học Thái Nguyên đóng chân trên địa bàn, là trung tâm đào tạo lớn thứ ba trong cả nước với rất nhiều trường đại học, cao đẳng, đội ngũ cán bộ khoa học đông đảo. Xác định được lợi thế đó, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên cũng đã chủ động phối hợp với Đại học Thái Nguyên, các Trường đại học, cao đẳng và cá nhân các nhà khoa học để tham gia thực hiện một số nhiệm vụ như: Ký kết Chương trình hợp tác với Đại học Thái Nguyên về đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trong đó, trong giai đoạn 2015 - 2018, tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Đại học Thái Nguyên phê duyệt gần 30 nhiệm vụ, đề tài, dự án khoa học và công nghệ theo nhu cầu của tỉnh.

 Cùng với đó, tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ Đại học Thái Nguyên đăng ký và triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Nhà nước, cấp Bộ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như: Chương trình Phát triển kinh tế xã hội nông thôn miền núi; Chương trình khoa học công nghệ theo Nghị định thư; Chương trình hỗ trợ các tổ chức khoa học công nghệ. Trong quá trình phát triển, theo từng lĩnh vực, tỉnh Thái Nguyên đã mời các nhà khoa học, các chuyên gia của Đại học Thái Nguyên tham gia góp ý các các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; quy hoạch của các ngành, huyện, thành phố, thị xã. Ngoài ra, thông qua các nhiệm vụ khoa học công nghệ, các thầy, cô giáo của Đại học Thái Nguyên đã thực hiện việc đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho hàng ngàn người dân trong tỉnh trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Có thể nói, tỉnh Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên đã có quá trình hợp tác và đạt được những hiệu quả tích cực, góp phần vào sự phát triển của tỉnh thời gian qua. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Đại học Thái Nguyên trong quá trình nghiên cứu, hợp tác, chuyển giao khoa học công nghệ.

Các đ/c lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở KHCN, Sở NN&PTNT và ĐHTN thăm quan mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại Hồ Núi Cốc

MC Trần Nhung: Bàn thêm về vấn đề này, là nhà khoa học trực tiếp tham gia nghiên cứu, bên cạnh các đề tài cơ bản phục vụ công tác đào tạo trong nhà trường, Khoa Hóa nói riêng và Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên nói chung đã triển khai được nhiều đề tài mang tính ứng dụng thực tế chưa thưa PGS.TS Phạm Thế Chính?

PGS.TS Phạm Thế Chính, Trưởng Khoa Hóa, Đại học Khoa học: Trong những năm trở lại đây trường Đại học Khoa học nói chung và tất cả các khoa thành viên nói riêng thì đều quan tâm đến cả 2 mảng khoa học đó là: Khoa học bản lâm tức là công bố thực tế và Khoa học ứng dụng, nhà trường có nhiều chính sách để khuyến khích 2 mảng này. Như các bạn đã biết, thế mạnh lớn nhất của trường Đại học Khoa học là nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực cơ bản, hàng năm có khoảng 40 đến 55 bài báo thuộc danh mục ISI, có những thời cao điểm bài báo chiếm đến 2/3 số bài báo của tổng đại học thì có thể thấy đây là một thế mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh thế mạnh về nghiên cứu khoa học cơ bản thì nghiên cứu ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ cũng được nhà Trường và cán bộ nghiên cứu đặc biệt quan tâm. Nhà Trường đã có nhiều hướng nghiên cứu đã có chuyển giao công nghệ tại các địa phương và cơ sơ sản xuất, nhiều sản phẩm đã được đi vào cuộc sống như các lĩnh vực: du lịch, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, hoá dược, môi trường. Theo hướng nghiên cứu ứng dụng hàng năm nhà trường cũng giao khoán đến toàn bộ đội ngũ cán bộ đề xuất tìm kiếm các giải pháp théo hướng các vấn đề đang được xã hội cần, các vấn đề của các địa phương đang cần giải quyết để đề xuất các đề tài chuyển giao. Nhà trường đã hỗ trợ thêm 20% kinh phí được chuyển giao (nghĩa là nếu đề tài chuyển giao khoảng 200 triệu thì sẽ có thêm 20 triệu từ Nhà trường);

Hiện nay Khoa hoá đã chủ trì 03 đề ứng dụng cho các tỉnh, nhiều nhóm nghiên cứu đã nhận các đặt hàng nghiên cứu của các doanh nghiệp để cải tiến và phát triển sản phẩm mới. Khoa hoá đã có 3 công trình được chuyển giao trên lĩnh vực: Hoá dược (tinh dầu dược liệu, cao chiết, sản phẩm nano hoá) và sản xuất chế phẩm nông nghiệp công nghệ cao (chất bảo quản sinh học, phân tích và đánh giá giá trị dinh dưỡng các loại nông sản đặc hữu).

PGS.TS Phạm Thế Chính, Trưởng Khoa hóa, Trường Đại học Khoa học (ĐHTN) và cộng sự nghiên cứu thành phần hóa học, hoạt tính sinh học của cây đơn kim

MC Trần Nhung: Để có một đề tài phát huy hiệu quả, bên cạnh ý tưởng tốt thì rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu và chuyển giao, xin được hỏi GS.TS Phạm Hồng Quang:  Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ giữa Đại học Thái Nguyên và tỉnh Thái Nguyên tập trung vào những nội dung cơ bản nào?

GS.TS Phạm Hồng Quang: Đại học Thái Nguyên và tỉnh Thái Nguyên có chương trình kí kết hợp tác chuyển giao công nghệ với một khoản tiền rất lớn, trên 100 tỷ. Trong đó tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng phù hợp với sự phát triển kinh tế của địa phương có các lĩnh vực như: Lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp,  thủy sản, có những công trình đề tài nghiên  cứu, bảo tồn, trồng cấy, nuôi cấy sản xuất sạch cho thị trường lao động và địa phương; lĩnh vực tài nguyên môi trường có những công trình nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao để giải pháp cụ thể nghiên cứu những vấn đề ô nhiễm về đất và môi trường.  lĩnh vực đào tạo là thế mạnh của trường Đại học Thái Nguyên, có những chương trình nghiên cứu hợp tác với các Sở, ngành để xây dựng mô hình giáo dục Sten tích hợp, nâng từng bước giáo dục nhân văn, giáo dục phổ thông của tỉnh nhà; lĩnh vực y tế cộng đồng có những sản phẩm mới; phân tích, bảo tồn, chuẩn hóa những phương pháp chuẩn đoán điều trị mới cho y tế thôn bản; lĩnh vực công nghệ thông tin, đã ứng dụng những giải pháp thông minh, tiết kiệm năng lượng; lĩnh vực công nghệ thực phẩm của tất cả các trường đại học.

Đại học Thái nguyên đã có những triển khai ứng dụng những chương trình, đề tài đã được kí kết được trường Đại học Thái Nguyên phải bảo vệ luận cứ khoa học và được Hội đồng đánh giá có tính khả thi và ứng dụng, trong quá trình triển khai có những thuận lợi những ý tưởng các nhà khoa học được đọc trúng với nhu cầu của các nhà vật lý, thể hiện quan điểm khoa học công nghệ, tôi thấy ý tưởng phải nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống, thì đề tài của thầy Phạm Thế Chính là một trong những đề tài chúng tôi đánh giá cao về tư tưởng, quan điểm và cách tiếp cận. Thuận lợi thứ hai là môi trường mà tỉnh đã tạo cho bằng chính sách, bằng động lực, bằng tài chính có thể nói đã bao phủ được những lĩnh vực quan trọng nhất của sự phát triển kinh tế địa phương bằng những chương trình hợp tác cụ thể. Tuy nhiên trường đại học có 3 lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, lý thuyết thì công bố quốc tế đặt Thái nguyên đứng thứ 2, thứ 4 trong các trường đại học thuộc Bộ giáo dục và Đào tạo, lĩnh vực thứ 2 là triển khai ứng dụng, lĩnh vực thứ 3 là chuyển giao, chuyển giao là một trong những trọng tâm mà giai đoạn này chúng tôi đặt ra nhiệm vụ cho trường Đại học Thái nguyên, tất cá các trường đại học thành viên, có tất các các chuyên ngành, có tất cả lĩnh vực nghiên cứu mà kinh tế địa phương đang cần.

Dự án thu thập lưu giữ, định danh một số loại lan rừng phục vụ công tác bảo tồn nguồn gen; xây dựng bảo tàng về các loại lan rừng trên địa bàn tỉnh tại hồ Núi Cốc. Đây là một trong những nội dung hợp tác giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và ĐHTN.

 

MC Trần Nhung: Lựa chọn những lĩnh vực trọng tâm để đặt hàng nghiên cứu và chuyển giao, ông Phạm Quốc Chính có thể nói rõ hơn cho độc giả biết tại sao tỉnh Thái Nguyên lại lựa chọn những lĩnh vực vừa nêu trên để hợp tác?

TS Phạm Quốc Chính: Các nội dung trong chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa tỉnh Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên gồm có 07 lĩnh vực, như: nông, lâm nghiệp, thủy sản; tài nguyên môi trường; giáo dục và đào tạo; văn hóa xã hội; y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; công nghệ thông tin và truyền thông; lĩnh vực cơ khí, tự động hóa.

Trong đó, việc lựa chọn từng nhiệm vụ Khoa học và công nghệ cụ thể để tỉnh Thái Nguyên đặt hàng với Đại học Thái Nguyên dựa trên các tiêu chí chính của khoa học công nghệ, đó là tính mới, tính ứng dụng và tính khả thi cao khi thực hiện. Tức là phải có địa chỉ cụ thể, khi mà nghiên cứu đó, ứng dụng đó phải được tổ chức, doanh nghiệp hoặc địa phương nào đó ứng dụng để triển khai thì mới đưa vào thực tiễn, phát huy được trong thực tiễn.Các nhiệm vụ được lựa chọn đều xuất phát từ yêu cầu của các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Có những vấn đề khó khăn hoặc vướng mắc mà không giải quyết được thì chúng tôi rất cần đến các nhà khoa học. Đó chính là thế mạnh của Đại học Thái Nguyên với các trường đại học thành viên, ở các lĩnh vực khác nhau, từ y tế đến giáo dục, nông lâm nghiệp, khoa học, xã hội và nhân văn thì tỉnh Thái Nguyên rất cần. Nó cũng xuất phát từ yêu cầu bức thiết của các ngành. Những yêu cầu đó cần phải có sự hỗ trợ của các nhà khoa học, các chuyên gia của Đại học Thái Nguyên. Tính đến thời điểm này, đã có 06 nhiệm vụ thuộc chương trình đã được UBND tỉnh phê duyệt và cho triển khai, bước đầu mang lại kết quả tích cực, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm gần đây.

Đã có nhiều đề tài, dự án KHCN được thực hiện nhằm nâng cao năng xuất chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm của cây chè Thái Nguyên.

MC Trần Nhung: Ông có thể đánh giá khả năng thực hiện của các nhà nghiên cứu Đại học Thái Nguyên về những lĩnh vực được ký kết thưa GS. TS Phạm Hồng Quang?

GS.TS Phạm Hồng Quang: Đại học Thái Nguyên ngoài 7 trường Đại học thành viên có bề dày nghiên cứu khoa học, chúng tôi còn có 8 viện nghiên cứu và 7 phòng thí nghiệm lớn phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ. Về nguồn nhân lực, Đại học Thái Nguyên có 800 GS, PGS, TS ở các lĩnh vực, một số lĩnh vực mạnh như: Nông lâm ngư nghiệp, công nghệ truyền thông, giáo dục, y tế, xã hội nhân văn... Ở các lĩnh vực đó, chúng tôi có nhiều đội ngũ nhà khoa học có kinh nghiệm, được đào tạo ở cả nước ngoài. Bên cạnh đó chúng tôi có nhiều phòng thí nghiệm và các chính sách hỗ trợ. Nhiều nhà khoa học đã được phong anh hùng lao động, nhà giáo ưu tú; giành nhiều giải thưởng khoa học lớn. Chúng tôi đang phấn đấu Đại học Thái Nguyên là bộ phận cấu thành vững chắc cho sự phát triển của địa phương. Bên cạnh tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi có nhiều sự hợp tác với nhiều tỉnh trung du, miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang. Trong thời gian tới, Đại học Thái Nguyên sẽ nỗ lực huy động các nguồn lực để thực hiện hiệu quả những chương trình hợp tác đó.

MC Trần Nhung: Thưa ông Phạm Quốc Chính, với các đề tài nghiên cứu khoa học mà cụ thể ở đây là dự án “Ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc”mà chúng ta vừa theo dõi thì Sở Khoa học - Công nghệ đã đồng hành với nhà khoa học như thế nào?

TS. Phạm Quốc Chính: Có thể nói ý tưởng đầu tiên về dự án nuôi trai nước ngọt lấy ngọc này là của đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, anh Hùng rất chăn trở tại sao lại nuôi trai ở nước mặn thì bây giờ các nhà khoa học có cách nào đấy để suy nghĩ xem vẫn con trai đó bằng công nghệ thì có ý tưởng nuôi ở nước ngọt có được không, từ ý tưởng đó đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đặt hàng với Đại học Thái Nguyên, từ đây, các nhà khoa học đã bắt đầu vào cuộc. Đây Là một dự án sử dụng công nghệ cấy ghép ngọc nhân tạo và nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Là công nghệ mới trong phát triển, nuôi trồng thủy sản có sử dụng kỹ thuật cao. Sản phẩm tạo ra có giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ lớn ở cả trong và ngoài nước. Cho đến nay, tất cả các sản phẩm mà các bạn vừa cầm trên tay thì bạn bè quốc tế cũng đã đặt hàng mua, các sản phẩm không có đủ để xuất khẩu ra nước ngoài, đây là một sảm phẩm có giá trị cao. Việc triển khai dự án không những đem đến một ngành nghề mới trong nuôi trồng thủy sản, mà còn góp phần phát triển tiềm năng du lịch tại tỉnh Thái Nguyên, khách đến du lịch Hồ Núi Cốc thì có sản phẩm làm nên vòng tai, vòng đeo cổ hoặc là những ve cài áo và những bông tai chế tác bằng con trai lấy ngọc nuôi ở tại Hồ Núi Cốc và nuôi trên đị bàn tỉnh Thái Nguyên. Do vậy, việc thực hiện dự án được Sở Khoa học và Công nghệ đặc biệt quan tâm ngay từ những giai đoạn quản lý đầu tiên. Ngay từ khi xét duyệt thuyết minh, việc thành lập hội đồng được lựa chọn những thành viên là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, xem con trai có thể nuôi được ở nước ngọt hay không và nó có thể sản sinh được ra ngọc hay không, chúng tôi rất là cẩn thận, chi tiết trong việc đó,  cho đến nay thì các điều kiện nuôi trồng đánh giá có thể nói là phù hợp và đã cho ra sảm phẩm hiện tại. Kết quả của việc nghiên cứu là những hạt trai mà các bạn cầm trên tay, đó là kết quả nghiệm thu lần 1. Trong quá trình thực hiện, Sở KH&CN thường xuyên liên hệ trực tiếp với đơn vị chủ trì thực hiện để kịp thời giúp đỡ khi gặp khó khăn, có thể là do thời tiết, do những điều kiện ngoại cảnh cho nên chúng tôi luôn thường xuyên theo sát dự án này và có thể khẳng định bước đầu dự án đã thành công, tôi cho rằng đây là một kết quả rất hiện hữu trong việc ứng dụng chuyển giao công nghệ của các nhà khoa học tâm đắc nghiên cứu  và đưa ra những sảm phẩm mới kịp thời phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Cán bộ Sở KHCN tỉnh Thái Nguyên kiểm tra mô hình nuôi trai nước ngọt tại hồ Vai Miếu, huyện Đại Từ (Thái Nguyên)

MC Trần Nhung: Cũng với nội dung này thì ngoài những trao đổi đã nêu ở trên, với vai trò là nhà khoa học, PGS.TS Phạm Thế Chính mong muốn được hỗ trợ thêm những gì từ phía Đại học Thái Nguyên và tỉnh Thái Nguyên để có thể chuyên tâm hơn vào lĩnh vực nghiên cứu?

PGS.TS Phạm Thế Chính: Về mong muốn của các nhà khoa học thì có nhiều, nhưng quan trọng là mong muốn nào phù hợp và thực tiễn nhất. Đối với quan điểm của riêng nhóm nghiên cứu và người làm khoa học như chúng tôi thì có 02 mong muốn:

Về tầm chiến lược, có 2 vấn đề chúng tôi mong muốn đối với Đại học Thái Nguyên:Thứ nhất là chính sách, chúng tôi mong Đại học tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách tốt hơn nữa để tập hợp được các nhà khoa học, khai phóng được tư duy của các nhà khoa học, để các nhà khoa học có tư duy tốt nhất, tập trung cao độ nhất trí tuệ của mình cho sản phẩm nghiên cứu, mà không phải đắn đo bận tâm gì đến những vấn đề khác. Thứ hai, về cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đối với ngành khoa học thực nghiệm và chuyển giao, việc trang thiết bị thí nghiệm hoàn thiện là điều mong muốn của tất cả các nhà khoa học. Hiện nay, về cơ bản các nhóm nghiên cứu Đại học Thái Nguyên cũng như các phòng thí nghiệm đã cơ bản hoàn thiện. Tuy nhiên, các nhà khoa học như chúng tôi rất mong muốn có phòng thí nghiệm chính quy hơn, chuẩn hơn, để có thể tiếp cận được với thị trường hiện nay. Chúng tôi mong Đại học tiếp tục tìm kiếm nguồn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cũng như các nguồn vốn khác để phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng,tạo điều kiện cho các nhà khoa học có môi trường làm việc hoàn thiện. Đối với tỉnh, chúng tôi mong muốn tỉnh tạo điều kiện để 03 nhà, đó là nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà quản lý cùng gặp nhau, cùng đưa ra ý tưởng và thực hiện để giải quyết các bài toán mang tính thực tế của địa phương.

Về mặt kỹ thuật, đối với nhà khoa học, băn khoăn lớn nhất là về cơ chế tài chính của các đề tài. Hiện nay, mặc dù đã được Nhà nước và các cấp tháo gỡ dần dần, nhưng vẫn còn có rào cản nhỏ đối với người làm khoa học. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn các cấp bộ, ban ngành, tỉnh Thái Nguyên cũng như Đại học Thái nguyên có thể đưa ra cách thức quản lý tài chính giống như Quỹ Nafosted của Bộ Khoa học & Công nghệ đã triển khai, nghĩa là Nhà khoa học sẽ không phải lo giải trình bao nhiêu kinh phí cho một vấn đề nghiên cứu, khoán gọn, miễn là đầu ra có sản phẩm thực và nghiệm thu bằng sản phẩm này.

MC Trần Nhung: Xin được trao đổi với GS.TS Phạm Hồng Quang, với những kết quả bước đầu của Chương trình mang lại, ông đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ giữa Đại học Thái Nguyên với các tỉnh, thành trong cả nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng?


Ngọc từ trai nước ngọt nuôi trồng tại Thái Nguyên bước đầu được phía doanh nghiệp chế tác thành một số sản phẩm trang sức tung ra thị trường

GS. TS Phạm Hồng Quang: Tôi nghĩ triển vọng hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Đại học Thái Nguyên với các địa phương, đơn vị là rất lớn. Việc hợp tác nghiên cứu không chỉ từ các trường Đại học mà còn xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Như các kết quả nghiên cứu của thầy Phạm Thế Chính vừa giới thiệu đều bắt nguồn từ thực tiễn. Đại học Thái Nguyên đã ký kết Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ với UBND tỉnh Thái Nguyên, những đề tài nghiên cứu đều xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Như các đề tài: Xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; khai thác giá trị văn hóa dân gian nhằm phát triển du lịch; nghiên cứu xây dựng các giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai do sạt lở, lũ quét; xây dựng hệ thống du lịch thông minh... Đây là các thế mạnh nghiên cứu của Đại học Thái Nguyên, tuy nhiên việc nghiên cứu khoa học công nghệ sẽ mang lại hiệu quả thực sự nếu nó phục vụ nhu cầu cuộc sống, nhân dân. Do vậy, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ, để các sản phẩm nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong thực tiễn, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội. Như ở Lào Cai, chúng tôi có dự án phát triển nông nghiệp hay như ở Hà Giang, Lạng Sơn chúng tôi cũng có những dự án nghiên cứu khoa học hết sức thực tế để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để có các kết quả thực tế, việc nghiên cứu hàn lâm được chúng tôi chú trọng chuẩn bị, trong đó phải kể đến việc đầu tư các phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu. Việc đầu tư ban đầu rất quan trọng, tuy nhiên nếu các đề tài khoa học có giá trị thực tiễn, tôi nghĩ sẽ có thể huy động nguồn lực xã hội hóa thêm, đặc biệt từ các doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò điều phối, đưa ra các chính sách phát triển. Chúng tôi cam kết, huy động các nguồn lực, phối hợp với các địa phương, đơn vị trong việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội.

MC Trần Nhung: Vâng, triển vọng hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ giữa Đại học Thái Nguyên với tỉnh Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh, thành trong cả nước là rất lớn. Và khi nhà khoa học, đơn vị đặt hàng có tiếng nói chung, cùng những giải pháp đồng hành phù hợp thì các dự án nghiên cứu chắc chắn có tính khả thi và phát huy hiệu quả.

Xin chân thành cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian tham gia chương trình Tọa đàm của chúng tôi!

Cảm ơn quý vị đã quan tâm, theo dõi./.

Facebook Zalo

Văn bản pháp quy

Bản tin KH&CN số 01/2024

Thống kê truy cập

Đang online : 0

Trong tuần : 0

Trong tháng : 0

Tất cả : 0