Một số quy định mới về xử phạt hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ

Facebook   Zalo

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 6 năm 2017, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2018. Luật quy định nhiều cơ chế, chính sách mới và sửa đổi nhiều quy định của Luật Chuyển giao công nghệ 2006 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ, cụ thể như:

Một số quy định mới về xử phạt hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ

Các quy định về thẩm định công nghệ dự án đầu tư, phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trong hoạt động chuyển giao công nghệ; cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển tổ chức trung gian; cơ chế phối hợp giữa Bộ KH&CN với các cơ quan liên quan; các quy định về kiểm toán chuyển giao công nghệ để chống chuyển giá trong hoạt động chuyển giao công nghệ; quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thẩm định công nghệ của dự án đầu tư để tránh đưa công nghệ, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vào nước ta; các quy định về phát triển thị trường KH&CN, về thương mại hóa công nghệ, kết quả KH&CN, về hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ,... Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ để phù hợp với các nội dung mới của Luật Chuyển giao công nghệ.
          Ngày 13 tháng 6 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 51/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động KH&CN, chuyển giao công nghệ (sau đây gọi tắt là Nghị định 51). Nghị định này được ban hành thay thế Nghị định số 64/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động KH&CN, chuyển giao công nghệ và Nghị định số 93/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 64/2013/NĐ-CP. Nghị định 51 chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2019 với một số điểm mới về mức xử phạt, hình thức xử phạt, hành vi bị xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cụ thể như sau:
          1. Về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định 51 đã liệt kê chi tiết các tổ chức có thể là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động KH&CN, chuyển giao công nghệ (Điều 2), gồm: Tổ chức KH&CN theo quy định của Luật KH&CN; Tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Hợp tác xã; Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; Các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật
          2. Về hình thức xử phạt, mức phạt tiền, Nghị định 51 đã lược bỏ hình thức xử phạt trục xuất vì không khả thi; thiết kế mức phạt tiền theo hướng phù hợp hơn với thực tế và tương đồng với các Nghị định hiện hành; đồng thời quy định cụ thể phù hợp với thực tiễn về các biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 3, Điều 4).
          3. Về các hành vi vi phạm hành chính, Nghị định 51 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp với Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017:
          Bổ sung các hành vi: “không gửi báo cáo định kỳ hằng năm về kết quả hoạt động đánh giá, giám định công nghệ tới cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ” (khoản 2 Điều 16 xử phạt từ 2 đến 4 triệu đồng); “không báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đã thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ khi điều chỉnh, thay đổi nội dung công nghệ” (khoản 3 Điều 16 xử phạt từ 4 đến 8 triệu đồng); “không làm thủ tục đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ” (khoản 2 Điều 17 xử phạt từ 4 đến 8 triệu đồng); “thực hiện chương trình, dự án phổ biến giống cây trồng, giống vật nuôi hoặc công nghệ nuôi trồng, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp nhưng không có nội dung chuyển giao công nghệ” (Điều 19 xử phạt từ 12 đến 20 triệu đồng); “kê khai không đúng sự thật thông tin trong hồ sơ đề nghị công nhận kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước” (khoản 1 Điều 20 xử phạt từ 4 đến 10 triệu đồng); “không hoàn trả các khoản hỗ trợ, ưu đãi đã nhận được của Nhà nước theo quy định” (khoản 2 Điều 20 xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng); “không bảo quản, giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu, phương tiện được giao sau khi hoàn thành dịch vụ theo thỏa thuận” (khoản 1 Điều 21 xử phạt từ 6 đến 10 triệu đồng); “không duy trì đủ các điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ theo quy định của pháp luật” (điểm a và điểm b khoản 2 Điều 21 xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng); “không lập thành hợp đồng bằng văn bản khi chuyển giao công nghệ độc lập hoặc góp vốn bằng công nghệ” (khoản 1 Điều 22 xử phạt từ 12 đến 20 triệu đồng); “không thực hiện kiểm toán giá công nghệ chuyển giao khi thực hiện chuyển giao công nghệ” (điểm b, điểm c Khoản 3 Điều 22 xử phạt từ 30 đến 40 triệu); “vi phạm trong việc thẩm định hoặc ý kiến về công nghệ đối với dự án đầu tư” (Điều 23 với khung xử phạt từ 10 đến 18 triệu đồng); “sử dụng công nghệ không đúng với công nghệ đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép” (Điều 24 xử phạt từ 20 đến 30 triệu đồng).
          4. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Ngoài việc quy định chi tiết thẩm quyền của từng lực lượng, Nghị định 51 còn bổ sung thẩm quyền của Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về KH&CN thuộc Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Tổng cục và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Lực lượng Quản lý thị trường. Đồng thời có quy định về phân định thẩm quyền của từng lực lượng.
          Nghị định 51/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành về khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ và xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, tạo tính răn đe phù hợp, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ. Những nội dung mới của Nghị định 51 giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ./.
Facebook Zalo

Văn bản pháp quy

Bản tin KH&CN số 01/2024

Thống kê truy cập

Đang online : 0

Trong tuần : 0

Trong tháng : 0

Tất cả : 0