Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, sự phát triển của các dịch vụ viễn thông đã và đang tác động đến sự phát triển của xã hội và phản ánh mức độ phát triển của nền kinh tế; chất lượng dịch vụ viễn thông đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. Vì vậy, tỉnh Thái Nguyên đang tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ mạng viễn thông, phục vụ hiệu quả đời sống, sản xuất và quản lý của người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh Thái Nguyên phát triển hạ tầng viễn thông, kết nối mạnh mẽ. Tính đến hết quý 1, năm 2025, ha tầng viễn thông tỉnh Thái Nguyên đạt 2.038 trạm, 3.991 BTS (2G, 3G, 4G, 5G); phủ sóng đến 100% xã, phường, thị trấn và đến 99,6 thôn, xóm. Hạ tầng internet cáp quang đã phủ tới 100% thôn xóm; phát triển 95 trạm 5G sẵn sàng phục vụ các ứng dụng công nghệ số trong công nghiệp, ý tế, giáo dục…
Theo đó, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các cấp chức chính quyền hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức, người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng i-Speed để đo tốc độ truy nhập Internet băng rộng tại địa bàn các xã, phường và thị trấn, đảm bảo mỗi đơn vị cấp xã đạt tối thiểu 300 mẫu/tháng. Lấy tổ công nghệ số cộng đồng, đoàn thành niên làm nòng cốt trong triển khai cài đặt và sử dụng ư ́ng dụng i-Speed để đo tốc độ truy nhập Internet băng rộng, đảm bảo mỗi xóm/tổ dân phố có ít nhất 05 người cài đặt và sử dụng thường xuyên.
Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông trên địa bàn nâng cao chất lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng di động và cố định; tiến hành kiểm tra, đo kiểm chất lượng mạng truy nhập internet băng rộng cố định trên địa bàn các huyện, thành phố (số lượng mẫu đ0 là 82 mẫu).
Kết quả cho thấy các mẫu đo internet băng rộng cố định cơ bản đều có tốc độ từ 100Mb/s, có mẫu đo tốc độ lên đến 700Mb/s; một vài mẫu đó chưa đạt tốc độ theo quy chuẩn. Nguyên nhân là do một số modem/router do doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng qua thời gian sử dụng đã bị suy giảm hiệu năng hoặc thiết bị cũ không hỗ trợ chuẩn Wi-Fi mới dù gói cước có tốc độ cao dẫn đến không khai thác hết tốc độ đường truyền. WiFi bằng tần 2.4GHz có thể bị nhiễu, đặc biệt khi có nhiều thiết bị sử dụng cùng lúc. Khoảng cách từ thiết bị đến Modem/Router xa hoặc có nhiều vật cản như tường dày, kính cường lực, đồ nội thất làm giảm tốc độ mạng. Thời điểm thực hiện đo kiểm khác nhau; Tại thời điểm lưu lượng người dùng tăng cao sẽ dẫn đến hiện tượng nghẽn mạng, giảm tốc độ dịch vụ. Suy hao tín hiệu trên đường truyền, cáp quang bị uốn cong quá mức có thể gây suy hao hoặc đầu nối không đạt tiêu chuẩn gây suy giảm tín hiệu…
Từ thực tiễn quản lý và thực hiện giám sát chất lượng mạng, để nâng cao chất lượng mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh cần phải xây dựng hạ mạng viễn thông băng rộng bảo đảm dung lượng lớn, tốc độ cao, công nghệ hiện đại, hạ tầng Internet vạn vật được tích hợp rộng rãi bảo đảm phát triển hài hòa, phục vụ tốt chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và an ninh - quốc phòng. Yêu cầu này đã được quy định trong quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ và được cụ thể hóa trong quyết định số 816/ QĐ-BTTTT ngày 18/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) về Kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông Việt Nam giai đoạn 2024 – 2025; Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 29/11/2024 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phát triển hạ tầng số tỉnh Thái Nguyên đến hết năm 2025. Đây là một trong những chính sách rất quan trọng và triển khai thành công Kế hoạch sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông ở tỉnh Thái Nguyên.
Bên cạnh đó để nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh cũng cần thực hiện một số giải pháp như:
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ, đo kiểm đánh giá, công bố chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, thường xuyên đôn đốc các doanh nghiêp tối ưu mạng lưới nâng cao chất lượng dịch vụ.
- Thúc đẩy chia sẻ hạ tầng mạng dùng chung giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật để mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ cũng như giảm thiểu chi phí đầu tư.
- Rà soát cập nhật các quy chuẩn về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất để đảm bảo nâng cao chất lượng mạng và dịch vụ.
- Khuyến khích sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thiết bị viễn thông "Make in Vietnam" để giảm chi phí đầu tư, thúc đẩy tự chủ công nghệ trong lĩnh vực chiến lược này; Thúc đẩy doanh nghiệp trong tỉnh phát triển các giải pháp giám sát chất lượng mạng, AI phân tích dữ liệu đo kiểm, từ đó phục vụ công tác điều hành và cảnh báo sự cố sớm.
- Triển khai hiệu quả chương trình cung cấp dịch vụ VTCI để cung cấp dịch vụ cho các khu vực đặc biệt khó khăn thuộc miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa.
Việc nâng cao chất lượng mạng viễn thông không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và người dân. Với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc đồng bộ và triển khai các giải pháp trên, Thái Nguyên sẽ tiếp tục là địa phương đi đầu trong phát triển hạ tầng số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Nguyễn Loan