Bản thảo Lịch sử tỉnh Thái Nguyên, tập 2 (1945 - 2025) được bố cục gồm 5 chương, với tổng dung lượng dài 696 trang gồm: Thái Nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954); Thái Nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975); Thái Nguyên cùng cả nước quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và bước đầu thực hiện công cuộc đổi mới (1975 - 1996); Tỉnh Thái Nguyên được tái lập, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1997 - 2010); Thái Nguyên trong thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (2010 - 2025).
Bằng phương pháp nghiên cứu chính là lịch sử và logic, kết hợp với nhiều phương pháp nghiên cứu bổ trợ khác, Ban Biên soạn đã tập trung làm rõ sự phát triển lịch sử tỉnh Thái Nguyên từ năm 1945 đến năm 2025 trên các phương diện: Địa giới, tổ chức hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Các vấn đề đều được trình bày, phản ánh theo tiến trình, làm nổi bật dòng chảy lịch sử tỉnh Thái Nguyên qua các thời kỳ: Kháng chiến chống thực dân Pháp; thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và chi viện tiền tuyến miền Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước; thời kỳ quá độ lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, bước đầu thực hiện công cuộc đổi mới; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, phát triển nhanh, bền vững.
Tại Hội thảo, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà sử học đánh giá: Bản thảo được xây dựng chuyên nghiệp, công phu, nghiêm túc, tỉ mỉ, khoa học và chính xác; cấu trúc chặt chẽ, hợp lí, đảm bảo tính lịch sử và logic; nội dung được trình bày cụ thể, chi tiết, bám sát đề cương; hình thức thể hiện đảm bảo tính thẩm mĩ; văn phong chính luận, diễn đạt mạch lạc, rõ ràng, chính xác, lập luận chặt chẽ và thuyết phục. Các đại biểu cũng đóng góp một số ý kiến trên cơ sở khoa học như: Cần lựa chọn một số số liệu chặt chẽ hơn, mang tính đại diện; cân đối chiều dài từng chương một cách khoa học hơn; tập trung vào các yếu tố mang tính đặc trưng, riêng có của Thái Nguyên; xác định chính xác các tên địa danh, địa điểm theo từng giai đoạn…
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, các nhà khoa học, nhà sử học, nhà nghiên cứu đã tập trung đóng góp những ý kiến tâm huyết, quý báu cho nội dung cuốn Lịch sử tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia; khẩn trương hoàn thiện, chỉnh sửa nội dung đảm bảo kịp thời, đồng bộ, khoa học, chất lượng; đồng thời, mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà sử học sẽ tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, đóng góp ý kiến và thông tin kịp thời tới Ban Biên soạn trong quá trình hoàn thiện, nhằm đảm bảo tính trung thực, khách quan, khoa học của cuốn Lịch sử tỉnh Thái Nguyên. Qua đó, giúp cho Nhân dân Thái Nguyên có góc nhìn toàn diện về lịch sử Thái Nguyên qua các thời kỳ, khơi dậy lòng tự hào và khát vọng cống hiến trong mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh./.
Dương Chiêm, Thế Bằng