Dự án: ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, khai thác, quảng bá giá trị các hiện vật của bảo tàng tỉnh thái nguyên

Facebook   Zalo

Hiện vật bảo tàng là nguồn sử liệu quan trọng hàm chứa các thông tin về lịch sử xã hội, tự nhiên, nó phản ánh và minh chứng cho các sự kiện lịch sử của một dân tộc, một địa phương, về cuộc đời, sự nghiệp của một danh nhân văn hoá, anh hùng dân tộc vv... Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên hiện đang lưu giữ, bảo quản trên 28.162 tài liệu, hiện vật gồm nhiều sưu tập hiện vật quý như: Bộ sưu tập hiện vật di chỉ khảo cổ học Thần Sa (Võ Nhai) có niên đại cách ngày nay khoảng từ 2 đến 3 vạn năm; bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn (niên đại khoảng 2.000 đến 2.500 năm); sưu tập hiện vật về Chủ Tịch Hồ Chí Minh tại Thái Nguyên; các hiện vật cách mạng, kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội; sưu tập hiện vật về tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản tỉnh Thái Nguyên vv…

Tuy nhiên, đến nay, các hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng Thái Nguyên vẫn chưa phát huy được nhiều giá trị của nó. Điều này có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có nguyên nhân từ công tác quản lý, khai thác, bảo quản, quảng bá các hiện vật bảo tàng đều mang tính giản đơn, thủ công, hiện vật cố định thiếu tính khoa học sáng tạo, thiếu tính thu hút đối với công chúng và khách du lịch. Chưa cập nhật được tiến bộ khoa học công nghệ trong việc quản lý, khai thác và quảng bá rộng rãi các hiện vật bảo tàng tới mọi người dân, khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế.

Để quản lý, khai thác, quảng bá các tài liệu hiện vật bảo tàng một cách khoa học, có hiệu quả, năm 2009, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã trình UBND tỉnh quyết định, phê duyệt dự án khoa học “Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, khai thác, quảng bá giá trị các hiện vật của Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên”.

Việc lựa chọn nghiên cứu dự án khoa học này là hoàn toàn phù hợp với chủ chương, đường lối của Đảng về việc tiếp tục ''Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVII xác định rõ: “Thể chế hóa cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển văn hoá địa phương. Nâng cấp, xây dựng bảo tàng, thư viện, nhà văn hoá…Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng và các di sản văn hoá trên địa bàn, gắn với phát triển du lịch, văn hoá…”.

Mục tiêu của dự án:

Sử dụng một số tiến bộ khoa học kỹ thuật trong CNTT để  nâng cao công tác quản lý, khai thác, quảng bá các hiện vật của Bảo tàng Thái Nguyên nhằm giáo dục truyền thống của địa phương một cách khoa học và hiệu quả.

Xây dựng cơ sở dữ liệu và trang website để quản lý, khai thác, quảng bá các tài liệu, hiện vật của Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, trực tiếp là các tài liệu, hiện vật bảo tàng, lưu giữ cho muôn đời sau.

Nội dung của dự án:

Thiết kế phiếu tiêu chí quản lý các hiện vật tại bảo tàng tỉnh Thái Nguyên. Lựa chọn 1.500 hiện vật tiêu biểu có đủ các tiêu chí để làm cơ sở cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu và xây dựng trang website. Số hóa 500 hiện vật ảnh tư liệu lịch sử đang bị xuống cấp.

Cải tạo mạng LAN, bổ sung nội dung tiêu chí của phần mềm quản lý tài liệu hiện vật phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đào tạo nguồn nhân lực về CNTT phục vụ dự án. Bổ sung các trang thiết bị cần thiết để triển khai dự án. Tổ chức hội thảo, xin ý kiến các chuyên gia về mạng, phần mềm, trang website và cơ sở hạ tầng.

Dự án sử dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến hiện nay trong xây dựng mạng thông tin, trang thông tin điện tử và cập nhật cơ sở dữ liệu:

Hệ thống mạng được kiến trúc lại theo mô hình quản trị tập trung, có phân vùng địa chỉ mạng, có hệ thống máy chủ và hệ thống bảo mật cứng, đảm bảo yêu cầu sử dụng và phát triển mở rộng trong tương lai.

Ngôn ngữ lập trình/hệ quản trị CSDL Web: Sử dụng công nghệ mới .DotNet , Web aspx, XML…/ Hệ quản trị CSDL SQL Server 2005.

Công nghệ an toàn bảo mật: Thực hiện cơ chế sao lưu tự động tại máy chủ, hệ thống được bảo vệ theo mô hình 2 lớp; phần cứng Firewall, và phần mềm phòng diệt Virus.

Sau 12 tháng thực hiện dự án (từ tháng 7/2019 đến tháng 7 năm 2010), Ban chủ nhiệm dự án đã tích cực, chủ động và đã hoàn thành được mục tiêu cũng như nội dung mà dự án đặt ra:

- Đã chọn lọc, thống kê, phân loại và biên mục thông tin hiện vật có giá trị và phù hợp với hoàn cảnh lịch sử tại Thái Nguyên vào phiếu thông tin hiện vật. Trên cơ sở phiếu đã được biên tập thông tin hiện vật, Bảo tàng Thái Nguyên đã cập nhật thông tin vào phần mềm quản lý hiện vật để quản lý, khai thác sử dụng bước đầu đã có hiệu quả. Số lượng hoàn thành: 1500 phiếu (đạt 100%).

            Bảo tàng Thái Nguyên đã được xây dựng và đưa vào hoạt động (địa chỉ:www.baotangthainguyen.org.vn) đáp ứng được yêu cầu đặt ra, sau một thời gian thử nghiệm và đi vào hoạt động, Webite đã được cập nhật thông tin thường xuyên, hoạt động ổn định trên mạng Internet. Đã đầu tư được một số thiết bị tin học thiết yếu phục vụ dự án như máy chủ, cải tạo và nâng cấp hệ thống mạng LAN, các máy trạm để cập nhật thông tin hiện vật, máy quét phục chế ảnh tư liệu vv...

            Dự án triển khai trong thời gian ngắn, nội dung thực hiện nhiều, và là lĩnh vực mới áp dụng đối với các bảo tàng trong tỉnh và trong khu vực. Nhưng dự án đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận như:

            Ttrong công tác bảo quản phát huy giá trị hiện vật :

Các hiện vật tại bảo tàng được bảo tồn để phát huy giá trị lịch sử văn hóa thông qua các ứng dụng CNTT tin như: Tài liệu văn bản cổ, báo chí, các loại tranh ảnh, hình vẽ, phim ảnh gốc…Qua dự án đã quảng bá và giới thiệu các hiện vật qua các thời kỳ trên mạng Internet, có chuyên mục hình ảnh và hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên.

Giới thiệu được về các hiện vật, cổ vật tìm được trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đặc biệt là các hiện vật tại khu khảo cổ học Thần Sa huyện Võ Nhai tỉnh Thái Nguyên liên quan tới sự hình thành, phát triển loài người trên trái đất.

Trong công tác quản lý và điều hành:

Tăng cường công tác quản lý hiện vật dựa trên thiết bị, công nghệ hiện đại để giải quyết nhanh, chính xác, đầy đủ các công việc thường nhật tại các phòng ban tại Bảo tàng, các công việc điều hành, quản lý được triển khai gần như “tức thời” giảm được thời gian trễ, tránh được lãng phí và tốn kém không cần thiết.

Hiệu quả về mặt kinh tế xã hội:

Hệ thống thông tin Website được xây dựng là một hệ thống tích hợp, môi trường làm việc tương tác. Mạng cục bộ tạo nên môi trường làm việc mang tính chất hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cá nhân, đơn vị, với các chức năng nghiệp vụ khác nhau.   

Thông qua mạng Internet các tổ chức cá nhân không có điều kiện đến tham quan trực tiếp tại Bảo tàng thì có thể nghiên cứu, tham khảo, tra cứu, tham quan… trên trang thông tin điện tử Website. Dự án có tác động sâu sắc đến xã hội, thông qua việc ứng dụng CNTT để quản lý, bảo tồn và quảng bá giá trị các hiện vật, lưu trữ lâu dài và an toàn để phục vụ cho công tác nghiên cứu, tra cứu và tham quan của các tổ chức, cá nhân quan tâm và là một mô hình điểm để nghiên cứu mở rộng đối các bảo tàng trong, ngoài tỉnh. Dự án đã được Hội đồng KHCN tỉnh đánh giá nghiệm thu xếp loại Khá tháng 7/2010.


Facebook Zalo

Văn bản pháp quy

Bản tin KH&CN số 01/2024

Thống kê truy cập

Đang online : 0

Trong tuần : 0

Trong tháng : 0

Tất cả : 0