Một số quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoa học và công nghệ

Facebook   Zalo

Ngày 30/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử.

Một số quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoa học và công nghệ

Theo đó, Nghị định số 126/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định:(i) Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; (ii) Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; (iii) Nghị định số 51/2019/NĐ-CP ngày 13/6/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; (iv) Nghị định số 107/2013/NĐ-CP ngày 20/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Đồng thời, bãi bỏ một số quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP; Nghị định số 119/2017/NĐ-CP và Nghị định số 107/2013/NĐ-CP. Nghị định số 126/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
    1. Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp
    Nghị định số 126/2021/NĐ-CP đã bổ sung quy định về phạm vi điều chỉnh tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP. Đồng thời nâng mức phạt đối với một loạt hành vi vi phạm hành chính lĩnh vực sở hữu công nghiệp như: Chỉ dẫn sai về đối tượng, yếu tố được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; không giao văn bằng bảo hộ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu công nghiệp, giấy chứng nhận… cho bên ủy quyền đại diện trong thời hạn quy định mà không có lý do chính đáng; sửa chữa, làm sai lệch nội dung chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
    2. Về xử phạt hình chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa
    Nghị định số 126/2021/NĐ-CP đã sửa đổi hình thức xử phạt bổ sung khi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa “ Tước quyền sử dụng có thời hạn từ 01 tháng đến 12 tháng: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp (giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận, thử nghiệm, giám định, kiểm định); quyết định chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp (chứng nhận, thử nghiệm, giám định, kiểm định); giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; quyết định chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; quyết định chứng nhận chuẩn đo lường để kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo; quyết định phê duyệt mẫu phương tiện đo; giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn; giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch; giấy chứng nhận đăng ký hoạt động công nhận; giấy đăng ký hoạt động xét tặng giải thưởng, giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm; giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.” (quy định cũ thì tước quyền sử dụng có thời hạn từ 01 tháng đến 6 tháng). 
    Đồng thời sửa đổi các điều khoản xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và sử dụng chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo không thể hiện đơn vị đo theo đơn vị đo pháp định. Nâng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong buôn bán phương tiện đo như buôn bán phương tiện đo không có nhãn hoặc có nhãn ghi không đúng nội dung quy định; buôn bán phương tiện đo nhóm 1 không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường đã được tổ chức, cá nhân công bố; buôn bán phương tiện đo nhóm 2 chưa kiểm định hoặc hiệu chuẩn; buôn bán phương tiện đo nhóm 2 chưa được phê duyệt mẫu; buôn bán phương tiện đo nhóm 2 không đúng mẫu phương tiện đo được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
    Nghị định 126/2021/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung đối với các hành vi vi phạm quy định về công bố tiêu chuẩn áp dụng, về hợp chuẩn và hợp quy; vi phạm về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường và các biện pháp khắc phục hậu quả; các hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất ô xy hóa, các hợp chất ô xít hữu cơ, các chất ăn mòn; vi phạm quy định trong sản xuất mũ bảo hiểm, trong sản xuất, pha chế khí, pha chế xăng dầu; các hành vi vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, sử dụng mã số mã vạch …
    3.  Về xử phạt vi phạm trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ
    Nghị định 126/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 51/2019/NĐ-CP như các biện pháp khắc phục hậu quả khi vi phạm về hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; các hành vi vi phạm quy định về về đăng ký thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, về báo cáo, đăng ký, triển khai hoạt động và giải thể tổ chức khoa học và công nghệ; vi phạm chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ …
    4. Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử
    Nghị định số 126/2021/NĐ-CP  sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử như: bổ sung quy định về xác định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính; các hành vi vi phạm quy định về giấy phép tiến hành công việc bức xạ; vi phạm quy định về kiểm soát liều chiếu xạ đối với công chúng, đối với nhân viên bức xạ; vi phạm quy định về kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị ghi đo bức xạ, thiết bị bức xạ, nguồn xạ trị; vi phạm quy định về bảo hộ lao động cho nhân viên bức xạ; vi phạm quy định về báo cáo thực trạng an toàn tiến hành công việc bức xạ; vi phạm quy định về giải quyết sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; không bố trí người phụ trách an toàn theo quy định; vi phạm quy định về an ninh nguồn phóng xạ khi sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ; các hành vi cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra …

    Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử nhằm bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022) đồng thời tháo gỡ, khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn triển khai, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính./.

Facebook Zalo

Văn bản pháp quy

Bản tin KH&CN số 01/2024

Thống kê truy cập

Đang online : 0

Trong tuần : 0

Trong tháng : 0

Tất cả : 0