Hội nghị phổ biến Nghị định 142/2020/NĐ-CP về công việc bức xạ và điều kiện hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử

Facebook   Zalo

Ngày 7/1/2021, tại Hà Nội, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định 142/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện tiến hành công việc bức xạ và điều kiện hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử. Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải chủ trì Hội nghị. 

Hội nghị phổ biến Nghị định 142/2020/NĐ-CP  về công việc bức xạ và điều kiện hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử

Tham dự Hội nghị còn có gần 100 đại biểu là lãnh đạo Cục ATBXHN, Vụ Pháp chế, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ KHCN); lãnh đạo, cán bộ làm công tác chuyên ngành ATBX và thanh tra các Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) các tỉnh, thành phố phía Bắc; lãnh đạo, người phụ trách an toàn và nhân viên bức xạ của các cơ sở bức xạ và các đơn vị thực hiện dịch vụ hỗ trợ ứng dụng NLNT. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên tham dự hội nghị có ông Hoàng Đức Vỹ - PGĐ Sở cùng các chuyên viên phòng chuyên môn của Sở.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia tiến hành các loại hình công việc bức xạ và hoạt động hỗ trợ ứng dụng NLNT, Bộ KHCN đã đề nghị Chính phủ xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định điều kiện tiến hành công việc bức xạ và điều kiện hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử. Ngày 09/12/2020, Nghị định 142/2020/NĐ-CP quy định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử (Nghị định) đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2021. Cục trưởng nhấn mạnh, so với các quy định hiện hành, Nghị định có nhiều điểm mới theo hướng thuận lợi, tạo điều kiện và cắt giảm thủ tục hành chính cho các cơ sở tiến hành công việc bức xạ và các cơ sở dịch vụ, góp phần đẩy mạnh cũng như đảm bảo an toàn, an ninh các ứng dụng NLNT trong phát triển kinh tế-xã hội.
Nghị định quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ, Giấy đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử và Chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử. Ngoài ra còn có các thủ tục phụ trợ như phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở, cấp Chứng chỉ nhân viên bức xạ. Nghị định gồm có 63 điều chia thành 5 chương và 7 phụ lục.

Hội nghị phổ biến Nghị định 142/2020/NĐ-CP  về công việc bức xạ và điều kiện hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử -0
Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải phát biểu khai mạc Hội nghị 

Tại Hội nghị, đại diện Cục ATBXHN đã trình bày các báo cáo chuyên đề về các quy định của Nghị định. Tập trung giới thiệu và nhấn mạnh một số điểm mới như:
- Các cơ sở bức xạ không cần phải xin Giấy phép tiến hành công việc bức xạ: Thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ được miễn trừ khai báo, cấp giấy phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5:2010/BKHCN về An toàn bức xạ - Miễn trừ khai báo, cấp giấy phép; Sử dụng hàng hóa tiêu dùng đã chiếu xạ hoặc chứa chất phóng xạ.
- Các cơ sở bức xạ không cần phải xin Giấy phép xây dựng: Cơ sở vận hành thiết bị chiếu xạ có cơ cấu tự che chắn theo thiết kế của nhà sản xuất; Cơ sở vận hành máy gia tốc sử dụng di động để soi chiếu kiểm tra hàng hóa.
- Không quy định phải có người phụ trách an toàn đối với các cơ sở: Lưu giữ nguồn phóng xạ nhóm 5 theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 6:2010/BKHCN về An toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ (QCVN 6:2010/BKHCN); Chỉ sử dụng: thiết bị X-quang chụp răng sử dụng phim đặt sau huyệt ổ răng, thiết bị phát tia X trong phân tích huỳnh quang tia X và thiết bị soi bo mạch.
- Bổ sung quy định về nhân viên được đào tạo về vật lý y khoa nhằm bảo đảm chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh đối với các cơ sở xạ trị, cơ sở y học hạt nhân, cơ sở sử dụng thiết bị chụp cắt lớp vi tính, thiết bị X-quang tăng sáng truyền hình.
- Các cơ sở sử dụng, xử lý, lưu giữ nguồn phóng xạ Nhóm 3, Nhóm 4, Nhóm 5 theo QCVN 6:2010/BKHCN không cần phải phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở.
- Bỏ quy định về diện tích phòng đặt thiết bị X-quang.
- Các cơ sở có nhiều giấy phép có thể xin gộp thành một giấy phép duy nhất để thuận tiện cho công tác quản lý.
- Được sửa đổi giấy phép trong một số trường hợp mà quy định cũ không cho phép sửa.
- Rút ngắn thời gian thẩm định và cấp tất cả các loại Giấy phép từ 5-30 ngày so với quy định hiện hành.
- Thời gian nộp hồ sơ gia hạn muộn hơn so với quy định cũ (trước 60 ngày): 15 ngày đối với giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu; 45 ngày với đối với các giấy phép khác. Thời gian xử lý hồ sơ gia hạn nhanh hơn quy định cũ (60 ngày): 15 ngày đối với Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu; 25 ngày đối với Giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế; 30 ngày đối với giấy phép khác.
- Bổ sung quy định về diện tích phòng chuẩn để bảo đảm chất lượng…
Qua trao đổi, thảo luận, Hội nghị đã giúp cho các cán bộ làm công tác an toàn bức xạ, nhân viên bức xạ, người phụ trách an toàn và các cơ sở bức xạ nắm rõ được những điểm mới nổi bật của Nghị định 142/2020/NĐ-CP để áp dụng vào thực tế triển khai. Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/02/2021

Việt Hưng – phòng Kế hoạch –Chuyên ngành

Facebook Zalo

Văn bản pháp quy

Bản tin KH&CN số 01/2024

Thống kê truy cập

Đang online : 0

Trong tuần : 0

Trong tháng : 0

Tất cả : 0