Tạo đòn bẩy từ ứng dụng Khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất

Facebook   Zalo

Khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh được triển khai thông qua các đề tài, dự án cụ thể trong các lĩnh vực. Trên 200 đề tài, dự án khoa học và công nghệ được xây dựng trên cơ sở định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực tế cho thấy, nhiều đề tài, dự án được triển khai đã giúp các địa phương, đơn vị giải quyết các vấn đề về nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm, khẳng định tính ứng dụng cao vào hoạt động sản xuất.

Tạo đòn bẩy từ ứng dụng Khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất

Nếu như trước đây, người dân trồng chè phải gánh nước lên các bãi chè, đồi chè để tưới bằng phương pháp thủ công rất mất rất nhiều công sức mà hiệu quả chăm sóc chè chưa thực sự cao, thì hiện nay, hệ thống tưới bằng van xoay tự động đã khắc phục được tất cả những điều đó. Mô hình đã được rất nhiều hộ gia đình ở xã Tức Tranh, huyện Phú Lương đưa vào sử dụng. Chính điều này đã góp phần khẳng định hiệu quả của một dự án ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã thực sự đi vào cuộc sống.

Ưu điểm nổi bật của công nghệ tưới này là tốn ít nước, quản lý vận hành đơn giản, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm công tưới, thuận tiện cho việc cơ giới hóa và tự động hóa. Mô hình "Tưới chè bằng van xoay” là 1 trong những dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được triển khai tại 2 làng nghề chè là: Thác Dài và Gốc Gạo, ở xã Tức Tranh, huyện Phú Lương từ năm 2012.


Mô hình "Tưới chè bằng van xoay” tại gia đình ông Nguyễn Văn The, xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương

Ông Nguyễn Văn The, xóm Gốc Gạo là một trong những gia đình triển khai mô hình này cho biết thêm:" Tưới bằng van xoay này rất tiện ích, bởi lượng nước tưới sẽ đều hơn, cây chè có độ ẩm tốt hơn, đặc biệt công sức bỏ ra rất ít, và không mất thời gian như tưới thủ công." Cũng chia sẻ về lợi ích của mô hình “ Tưới chè bằng van xoay”, ông Lê Văn Khánh ở xóm Gốc Gạo cho biết : "Với 1 sào chè của gia đình tôi, trước đây với mỗi một lứa tốt thì chỉ được 15 đến 17kg, nhưng khi tưới nước bằng van xoay, cây chè giữ được độ ẩm, phát triển tốt hơn, thì năng suất được từ 22 đến 25kg".

Giá trị của dự án đã được khẳng định bởi sau 2 năm kết thúc, dự án triển khai mô hình “ Tưới chè bằng van xoay” được nhân rộng tại nhiều gia đình trên địa bàn. Đây cũng là minh chứng cụ thể cho thấy nhiều dự án mang tính ứng dụng khoa học công nghệ cao mà tỉnh Thái Nguyên đã triển khai trong thời gian vừa qua đã thực sự phát huy hiệu quả trong hoạt động sản xuất.

Anh Ma Tiến Cốp, Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương cho biết: "Xuất phát từ thành công của dự án năm 2012, từ năm 2013 chúng tôi được tiếp tục nhân rộng dự án và được hỗ trợ 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện cũng hỗ trợ mỗi năm thêm 1 dự án và nhân rộng ra các địa phương trên địa bàn huyện. Đến nay, diện tích tưới chè chiếm 60 đến 70% diện tích trồng chè, đã góp phần làm tăng năng suất, giá trị, giảm công lao động và nâng hiệu quả kinh tế trong phát triển cây chè trên địa bàn huyện".

Với Công ty Cổ phần thuốc thú y Đức Hạnh BMG (đơn vị duy nhất của tỉnh và là số ít các đơn vị trong cả nước được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ) luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều sản phẩm khoa hoc và công trình nghiên cứu cấp quốc gia và cấp Bộ đã được đơn vị triển khai như: Dự án nghiên cứu và chế tạo vaccin PED phòng bệnh tiêu chảy cho lợn; Dự án nghiên cứu chế tạo vaccin đa giá phòng bệnh viêm phổi lợn; nghiên cứu chế tạo vaccin đa giá phòng bệnh hô hấp cho gà. Chính đổi mới về tư duy, chủ động tiếp cận và đẩy mạnh hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, Đức Hạnh BMG đã nổi lên là đơn vị tiêu biểu với nhiều sản phẩm thuốc thú y được nghiên cứu và ứng dụng vào sản suất trên dây truyền hiện đại, đồng bộ và khép kín.

Cán bộ Công ty Cổ phần thuốc thú y Đức Hạnh BMG nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm

Tiến sỹ Trần Đức Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phẩn thuốc thú y Đức Hạnh BMG đã chia sẻ: "Để tiếp cận được các nhà khoa học thì trước mắt các doanh nghiệp phải chủ động, năng tìm hiểu các thông tin, đam mê tạo ra sản phẩm mà có giá trị về khoa học công nghệ. Và cũng phải có một sân chơi cho các nhà khoa học về mặt trí tuệ và khoa học công nghệ, để họ được làm với máy móc hiện đại, được ứng dụng trí tuệ mà họ đã nhiều năm nghiên cứu."

Nâng cao năng xuất, chất lượng của từng sản phẩm cũng như đẩy mạnh sáng tạo để tạo ra những sản phẩm đặc thù là một trong những yêu cầu đặt ra trong định hướng phát triển kinh tế của Thái Nguyên. Trước những đòi hỏi đó thì việc xác định tầm quan trọng, cũng như đổi mới cơ chế chính sách phát triển khoa học công nghệ cần phải được quan tâm đầu tư mạnh hơn nữa để kịp thời lĩnh hội những tiến bộ mới cũng như nâng cao khả năng sáng tạo trong nghiên cứu khoa học. Đây cũng là 1 trong những mục tiêu hướng tới của sự kiện trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ năm 2016 sẽ được được tổ chức tại Thái Nguyên từ ngày 9 đến ngày 11/11 sắp tới./.

Facebook Zalo

Văn bản pháp quy

Bản tin KH&CN số 01/2024

Thống kê truy cập

Đang online : 0

Trong tuần : 0

Trong tháng : 0

Tất cả : 0