Nỗ lực “chắp cánh” cho hương chè bay xa

Facebook   Zalo

Là một trong những địa phương có diện tích trồng chè lớn của cả nước (trên 22.000ha), Thái Nguyên lâu nay được mệnh danh là “Đệ nhất danh Trà”. Nhằm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chè, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh, đặc biệt là Sở Khoa học và Công nghệ đã có nhiều nỗ lực để đưa chè Thái Nguyên vươn xa ra thị trường trong và ngoài nước.

Nỗ lực “chắp cánh” cho hương chè bay xa

Hiện nay, phần lớn diện tích chè ở xóm Tân Thành, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), được chăm sóc, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP.

TS. Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong phát triển, nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm chè nhưng trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay thì chè Thái Nguyên vẫn đối mặt với không ít thách thức về sở hữu trí tuệ.
Nhằm đảm bảo quyền sử dụng hợp pháp nhãn hiệu “Chè Thái Nguyên” cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện; ngăn chặn các hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu cũng như gia tăng giá trị kinh tế của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ ra nước ngoài, tháng 7-2014, UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể chè tại 3 nước và vùng lãnh thổ, gồm: Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan.
Sau gần 2 năm, (tháng 2-2016) nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được cấp Văn bằng bảo hộ tại Mỹ. Đến đầu năm 2017, chè Thái Nguyên được bảo hộ tại Trung Quốc và Đài Loan.
Một tin vui nữa đối với người trồng, chế biến và kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh, trong năm 2021 sản phẩm chè Thái Nguyên tiếp tục được bảo hộ tại Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc; đặc biệt, sản phẩm Trà Tân Cương được bảo hộ tại các nước châu Âu.
Theo TS. Phạm Quốc Chính, những quốc gia đã chấp nhận sản phẩm chè của Thái Nguyên vào thị trường đều rất khó tính, khắt khe. nên khi đăng ký bảo hộ sản phẩm chúng tôi rất vất vả. Tuy nhiên, quyết tâm cao mới có “quả ngọt”, chúng tôi luôn nỗ lực hết sức.
Theo các chuyên gia về chè, sản phẩm chè khi được bảo hộ tại nước ngoài sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh tại các thị trường tiềm năng; hạn chế nguy cơ bị chiếm đoạt nhãn hiệu tại thị trường quốc tế và mở ra nhiều cơ hội cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng, sản xuất và tiêu thụ chè.
Ông Tô Văn Khiêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương), chia sẻ: Từ khi chè Thái Nguyên được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại Trung Quốc, Đài Loan, chúng tôi đã tìm hiểu, quảng bá sản phẩm tại những nơi này và đã có đơn hàng xuất khẩu (khoảng 1 tấn chè/năm). Nếu so sánh với thị trường trong nước, cùng một loại chè thì xuất bán ra nước ngoài được giá cao hơn khoảng 30%.
Còn chị Nguyễn Thị Như Trang, Giám đốc Hợp tác xã Trà Sơn Dung, phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên, cho hay: Chúng tôi đã bán các sản phẩm: Trà xanh sả, trà xanh gừng, trà xanh chanh tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy 2 thị trường này có yêu cầu khắt khe nhưng bù lại giá bán mỗi kg chè cao hơn khoảng 25% so với trong nước và luôn ổn định.
Sau thành công trong bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại một số nước, Sở Khoa học và Công nghệ đã và đang cùng các ngành chức năng tăng cường phổ biến, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên C-Thái Nguyên để nhiều người trồng, kinh doanh chè biết đến. Sở tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân trồng chè trong chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến; trong truy xuất nguồn gốc và quảng bá sản phẩm.

Facebook Zalo

Văn bản pháp quy

Bản tin KH&CN số 01/2024

Thống kê truy cập

Đang online : 0

Trong tuần : 0

Trong tháng : 0

Tất cả : 0