Góp phần làm lành mạnh thị trường Tết Trung thu

Facebook   Zalo

Tết Trung thu đang đến gần, cùng với các loại bánh Trung thu thì đồ chơi trẻ em cũng là mặt hàng được các bậc phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu các sản phẩm đồ chơi trẻ em trước khi lưu thông ra thị trường phải có chứng nhận hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em.

Góp phần làm lành mạnh thị trường Tết Trung thu

Đoàn kiểm tra của Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra mặt hàng đồ chơi trẻ em tại một cửa hàng ở TP. Sông Công.

Dạo quanh một số chợ, siêu thị trên địa bàn TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên, TP. Sông Công những ngày này, chúng tôi dễ dàng nhận thấy mặt hàng đồ chơi trẻ em được bày bán khá nhiều. Bên cạnh đồ chơi trẻ em do Việt Nam thì đồ chơi “made in China” cũng được bày bán tràn lan. Đáng chú ý, nhiều đồ chơi “made in China” không có tem để nhận biết hợp chuẩn.
Chị Nông Thị Hương, ở phường Quang Trung (TP.Thái Nguyên), mua đồ chơi cho con tại chợ Đồng Quang, chia sẻ: Đồ chơi trẻ em năm nay phong phú về chủng loại, mẫu mã đẹp, chủ yếu do Việt Nam và Trung Quốc sản xuất. Tôi chọn mua đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc, vì kiểu dáng lạ, giá cả cũng phải chăng.
Suy nghĩ mua đồ chơi cho con của chị Hương cũng giống nhiều phụ huynh khác hiện nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nhiều loại đồ chơi trẻ em rẻ tiền có nguồn gốc từ Trung Quốc thường làm bằng chất liệu tái chế, trộn hạt nhựa công nghiệp, cho thêm phụ gia, màu công nghiệp. Các loại nguyên liệu này có nhiều chất hóa học, kim loại nặng, độc hại với trẻ nhỏ.
Nhằm kịp thời phát hiện, xử lý hành vi buôn bán đồ chơi trẻ em không hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em, từ ngày 29-31/8/2022 Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với một số đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra chất lượng đồ chơi trẻ em tại các cơ sở kinh doanh.
Theo đó, Đoàn kiểm tra trực tiếp 4 cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em tại TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công, TP. Phổ Yên và huyện Phú Lương. Qua kiểm tra, Đoàn phát hiện 129 sản phẩm đồ chơi trẻ em vi phạm về quy định nhãn mác như: Có nhãn gốc bằng chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng chữ Việt Nam; không có nhãn hàng hoá, hoặc có nhãn nhưng không ghi đủ nội dung bắt buộc theo quy định; một số đồ chơi trẻ em không có dấu hiệu công bố phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em QCVN 03:2019/BKHCN (tem CR)… Đoàn đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt 3 cửa hàng.
Thông qua kiểm tra, Đoàn cũng lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em theo đúng quy định. Bà Lường Thị Minh Phương, người kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em tại phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), cho hay: Tôi thường không tìm hiểu, cập nhật các quy định liên quan, nhưng nay được cán bộ của Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn tôi hiểu bán loại mặt hàng này phải có tem nhãn rõ ràng, có chứng nhận hợp quy. Tôi sẽ chấp hành nghiêm quy định.
Được biết, hiện nay một số ngành chức năng như: Sở Công Thương, Quản lý thị trường… cũng đang tăng cường kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu. Thông qua hoạt động kiểm tra chất lượng đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ đã và đang cùng các ngành chức năng làm lành mạnh thị trường phục vụ Tết Trung thu, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Các sản phẩm đồ chơi trẻ em trước khi lưu thông ra thị trường phải có chứng nhận hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em (QCVN 3:2019/BKHCN), do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Quy chuẩn kỹ thuật được hiểu là những quy định về mức giới hạn của các đặc tính kỹ thuật cùng yêu cầu quản lý cho sản phẩm cụ thể nào đó. Mục đích của các quy chuẩn kỹ thuật là đảm bảo sản phẩm, hàng hóa khi sản xuất và kinh doanh là an toàn, không gây hại tới sức khỏe con người, không ảnh hưởng đến môi trường.

 

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Facebook Zalo

Văn bản pháp quy

Bản tin KH&CN số 01/2024

Thống kê truy cập

Đang online : 0

Trong tuần : 0

Trong tháng : 0

Tất cả : 0