Đề tài khoa học gắn với thực tế cuộc sống

Facebook   Zalo

Trong số rất nhiều các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn có 2 đề tài vừa được Hội đồng Khoa học tỉnh nghiệm thu đánh giá xếp loại xuất sắc bởi khả năng ứng dụng vào thực tế rất cao đó là “Nghiên cứu triển khai bồi dưỡng thường xuyên môn Địa lý bằng hình thức đào tạo từ xa cho giáo viên THPT tỉnh Thái Nguyên” và “Nghiên cứu biên soạn tài liệu bồi dưỡng môn Ngữ văn cho học sinh THPT tỉnh Thái Nguyên”.

Đề tài khoa học gắn với thực tế cuộc sống


Trường THPT Chuyên Thái Nguyên luôn đi đầu trong đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh. Trong ảnh: 2 năm học qua, Nhà trường đã tổ chức dạy học tiếng Anh một số tiết đối với một số môn khoa học tự nhiên.
Trường THPT Chuyên Thái Nguyên luôn đi đầu trong đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh. Trong ảnh: 2 năm học qua, Nhà trường đã tổ chức dạy học tiếng Anh một số tiết đối với một số môn khoa học tự nhiên.

Trao đổi cùng chúng tôi, PGT-TS Ngô Thị Thanh Quý, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội Nhân văn miền núi (Đại học Thái Nguyên) Chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu biên soạn tài liệu bồi dưỡng môn Ngữ văn cho học sinh THPT tỉnh Thái Nguyên” cho biết thêm: “Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục & đào tạo, trong đó chú trọng đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, cách tiếp cận dạy học hiện nay tập trung theo định hướng phát huy tính tích cực của học sinh. Trong 8 lĩnh vực của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ Giáo dục & Đào tạo đã công bố, lĩnh vực Ngôn ngữ - Văn học có nhiều thay đổi. Để đi trước, chuẩn bị tâm thế cho việc triển khai nội dung giảng dạy bộ môn Ngữ văn theo tinh thần tiếp cận năng lực người học ở các trường THPT, đề tài này chúng tôi cũng thiết kế một bộ tài liệu có thể ứng dụng được đối với cả người dạy và người học”.

 

Được biết, đối tượng thực nghiệm thực hiện đề tài này là 180 học sinh khối 11 và 12 của các trường THPT Thái Nguyên, Phú Bình, Đại Từ, Đồng Hỷ. Việc thực nghiệm được tiến hành song song đó là học môn Ngữ văn với sự hỗ trợ của tài liệu nghiên cứu bồi dưỡng môn Ngữ văn cho học sinh THPT tỉnh thuộc đề tài được biên soạn và đối chứng với học môn Ngữ văn theo cách thông thường. Kết quả thực nghiệm đã đánh giá được tính hiệu quả của tài liệu bồi dưỡng môn Ngữ văn cho học sinh THPT thông qua việc thay đổi nhận thức, thái độ, hứng thú và kết quả học tập của học sinh học thực nghiệm. Học sinh đón nhận tài liệu học tập hào hứng, các em đều có chung nhận xét tài liệu có nhiều điểm mới, các câu hỏi được phân loại rõ ràng: Biết, hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Trên cơ sở khảo sát, phân tích thực trạng việc học Văn và thị trường sách tham khảo của người học, đề tài nghiên cứu đã mạnh dạn đưa ra những giải pháp để việc biên soạn tài liệu Ngữ văn tham khảo cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh theo cấu trúc mới hướng người đọc vào những vấn đề cụ thể của việc học và dạy Văn. Thay vì viết 7-8 trang phân tích, chứng minh, bình luận một tác phẩm, một nhân vật văn học thì người sử dụng cuốn tài liệu này có thể rèn luyện cách đọc và viết Văn chủ động. Đề tài cũng giúp các em học sinh THPT thêm yêu thích môn Ngữ văn, từ đó học và thi đạt kết quả cao hơn.

 

Đối với đề tài thứ hai là “Nghiên cứu triển khai bồi dưỡng thường xuyên môn Địa lý bằng hình thức đào tạo từ xa cho giáo viên THPT tỉnh Thái Nguyên”, qua triển khai được giáo viên đánh giá rất cao. Theo cô giáo Đoàn Thị Phương Hương, giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Nguyễn Huệ (Đại Từ): “Đối với các giáo viên ở các trường THPT, vấn đề bồi dưỡng thường xuyên bằng hình thức đào tạo từ xa là một trong những hướng khai thác rất tốt giúp người học thường xuyên được cập nhật kiến thức, không phải chi phí đi lại, ăn, ở và nhiều chi phí phát sinh khác. Người học có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, học hỏi với nhiều chuyên gia và đồng nghiệp, không bị ngăn cách bởi không gian địa lý, thông qua đó ứng dụng phương thức dạy học hiện đại cho các trường phổ thông”.

 

Đúng như khẳng định của cô giáo Đoàn Thị Phương Hương, mục tiêu chính của đề tài này là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong bồi dưỡng thường xuyên giáo viên Địa lý THPT bằng hình thức đào tạo từ xa nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục THPT trong địa bàn tỉnh, đặc biệt trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông. Giáo viên chỉ cần truy cập vào địa chỉ daotaotructuyen.org vào phần Địa lý - bồi dưỡng thường xuyên là có thể đăng ký thành viên để khai thác các thông tin, cũng như học trực tuyến, thực hiện bài tập cá nhân, làm bài kiểm tra hoặc cùng nhau trao đổi những băn khoăn, thắc mắc về môn học…

 

TS Đỗ Vũ Sơn, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên - Chủ nhiệm Đề tài này chia sẻ thêm: Để thực hiện Đề tài này chúng tôi đã tiến hành khảo sát đối tượng là giáo viên các trường phổ thông về những vấn đề họ cần, những bài dạy mà họ cảm thấy khó khăn, vướng mắc. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng nội dung bồi dưỡng thường xuyên gồm 7 chuyên đề (tương đương với 7 nội dung cần bồi dưỡng), mỗi chuyên đề có thời lượng 15 tiết học đảm bảo nội dung khoa học, đáp ứng các văn bản hướng dẫn, phù hợp với yêu cầu người học. Trong khuôn khổ đề tài đã triển khai bồi dưỡng thường xuyên thử nghiệm môn Địa lý bằng hình thức đào tạo từ xa cho 87 giáo viên THPT tỉnh bước đầu đạt kết quả tốt. Khảo sát các ý kiến của giáo viên, chuyên gia về hình thức và nội dung bồi dưỡng thường xuyên môn Địa lý và nhận được đánh giá cao. Nhằm phát huy hiệu quả nghiên cứu của đề tài được lâu dài, tôi xin mạnh dạn đề nghị ngành Giáo dục của tỉnh và các nhà trường cần thường xuyên đổi mới nội dung bồi dưỡng thường xuyên theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp với điều kiện thực tế. Các giáo viên phổ thông cần nâng cao hơn nữa nhận thức về nhiệm vụ tự bồi dưỡng, tự đào tạo. Nhà trường thường xuyên đánh giá chất lượng tự bồi dưỡng của giáo viên. Đặc biệt các nhà trường cần ứng dụng hình thức dạy học kết hợp (Blended Learning) ở trường phổ thông nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy học.

 

Hai đề tài nghiên cứu khoa học nêu trên đã đưa được những luận cứ khoa học, bám sát nội dung, yêu cầu của việc đổi mới chương trình sách giáo khoa theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục & đào tạo. Các kết quả nghiên cứu mà đề tài đã đạt được đáp ứng đầy đủ các mục tiêu, nội dung và quy mô đã được phê duyệt. Đề tài đã khẳng định hiệu quả về chuyên môn, kinh tế trong bồi dưỡng thường xuyên môn Địa lí cho giáo viên thông qua hình thức đào tạo từ xa, cũng như phát huy tính tích cực của học sinh trong học tập môn Ngữ văn ở các trường phổ thông. Kết quả nghiên cứu là những tài liệu hữu ích để các nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Facebook Zalo

Văn bản pháp quy

Bản tin KH&CN số 01/2024

Thống kê truy cập

Đang online : 0

Trong tuần : 0

Trong tháng : 0

Tất cả : 0